02:30 EST Thứ bảy, 23/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tái cơ cấu ngành nông nghiệp


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Hợp tác xã thuê đất làm ăn lớn

Thứ năm - 11/05/2017 04:56
Thời gian qua, ở ĐBSCL ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản mang tính đột phá, ở đó vai trò HTX rất quan trọng.
HTX Đức Huệ thuê đất sản xuất lớn hiệu quả

HTX Đức Huệ thuê đất sản xuất lớn hiệu quả

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trước mắt tỉnh chọn khoảng 16 HTX để thí điểm mô hình này; trong đó có việc đưa cán bộ trình độ đại học về làm ở HTX. Sau khi các HTX hoạt động hiệu quả, ổn định thì mới nhân rộng. Mục tiêu cốt lõi là từng bước thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, liên kết lại theo chuỗi giá trị, nhằm kéo giảm chi phí giá thành xuống để tăng lợi nhuận. Đây chính là hướng đi mới và là điểm tựa vững chắc cho nông dân. Đồng thời cũng là “đích đến” của đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

Tại Vĩnh Long, việc sản xuất lớn cũng được khuyến khích thực hiện. Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp “trọn gói” thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình những năm qua đã huy động máy móc, phương tiện làm lúa gom về một mối, sau đó hợp đồng với nông dân cùng xuống giống đồng loạt để tiết giảm chi phí bơm rút nước, làm đất… Tổ dịch vụ này còn có đội ngũ hàng chục người chuyên bón phân, phun thuốc, chăm sóc lúa… Hộ nào không có điều kiện trực tiếp canh tác thì chỉ cần gọi điện là có người đáp ứng ngay với chi phí thấp hơn khoảng 20% so thuê mướn bên ngoài. UBND xã Mỹ Lộc nhìn nhận, mô hình này đã tạo ra nhiều cái lợi mà nông dân là người trực tiếp được hưởng từ những dịch vụ chất lượng và giá rẻ; xóa được tình trạng sản xuất riêng lẻ, tự phát, và quan trọng là nông dân thóat được cảnh bị thương lái ép giá, bởi tất cả các khâu đã có Tổ dịch vụ đứng ra đảm trách. Thậm chí có hộ không cần lội ruộng mà vẫn thu lời đều đặn từ mỗi vụ lúa.

Nông dân “cầm cán”

Những ngày đầu tháng 5-2017, chúng tôi về Đồng Tháp nghe râm ran câu chuyện HTX Đức Huệ, ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười đột phá trong tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. Theo Phòng NN-PTNT huyện Tháp Mười, việc HTX Đức Huệ thuê đất và bao tiêu 21 tấn lúa/ha/năm (3 vụ) được nhiều nông dân hưởng ứng, bởi thông thường chỉ có vụ đông xuân là trúng nhất, còn 2 vụ hè thu và thu đông năng suất sẽ thấp hơn; tuy nhiên HTX vẫn trả cho nông dân bình quân 7 tấn/ha/vụ.

Ông Võ Thanh Tân, ngụ xã Mỹ Quý bộc bạch: “Tôi chuyên làm ruộng đã rất nhiều năm và chỉ có vụ đông xuân là năng suất cao khoảng 7-8 tấn/ha, riêng 2 vụ còn lại thì thấp hơn. Do đó, khi tính qua tính lại thì việc HTX thuê 7 tấn/ha/vụ là có lợi cho nông dân và nông dân cầm chắc lợi nhuận. Thấy cách làm này hợp lý nên tôi sẵn sàng giao 9ha đất cho HTX thuê”. Theo ông Huỳnh Thanh Thấm, Giám đốc HTX Đức Huệ, thời gian qua nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL chủ trương mở rộng mô hình “cánh đồng lớn”, khuyến khích doanh nghiệp tham gia gắn kết cùng với nông dân bằng việc đầu tư vật tư và bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch; còn sản lượng thì do nông dân tự lo và giá cả phải theo thị trường. Đối với HTX Đức Huệ thì đưa ra hình thức bao tiêu “không giống ai”; đó là bao tiêu “sản lượng” với mức khá cao 21 tấn lúa/ha/năm. Theo đó, chỉ cần hai bên thống nhất là nông dân nghiễm nhiên có được số lúa trên mà không cần phải ra ruộng vất vả phun thuốc, bón phân hoặc lo sợ thiên tai, mất mùa. Mô hình này nói hổng ai tin nhưng lại là sự thật đang diễn ra ở xứ Tháp Mười.

Nông dân đưa máy móc vào HTX để làm dịch vụ.
Nông dân đưa máy móc vào HTX để làm dịch vụ.

Giải thích chuyện trái khoáy này, Giám đốc HTX Huỳnh Thanh Thấm cho biết: “Xuất phát từ nỗi lòng của người làm lúa một nắng hai sương, nhưng cuộc sống cứ mãi chật vật bởi giá cả không ổn định, đầu ra bấp bênh, năng suất trồi sụt do tác động thời tiết, dịch bệnh… Đặc biệt là đến nay vẫn còn phổ biến thực trạng sản xuất manh mún kiểu mạnh ai nấy làm đã khiến chi phí giá thành tăng cao, lợi nhuận thu về rất thấp. Sau thời gian dài suy nghĩ tìm hướng đi mới mang tính “đột phá” cho cây lúa. Đầu vụ đông xuân 2015, HTX Đức Huệ mạnh dạn thí điểm mô hình mới là bao tiêu sản lượng cho nông dân “trọn gói” cả 3 vụ/năm, với mức bình quân là 7 tấn/ha/vụ; tương đương 21 tấn/ha/năm (3 vụ). Cụ thể, nông dân chỉ cần giao cho HTX 1ha đất là nhận về 21 tấn lúa/năm, mà không cần ra ruộng canh tác ngày nào. Sau khi thu hoạch lúa, nông dân chỉ hoàn lại cho HTX 22 triệu đồng/vụ tiền chi phí đầu tư…”.

Ông Thấm phân tích: “Mô hình này nông dân được cái lợi trước tiên là cầm chắc lợi nhuận hơn 39 triệu đồng/ha/năm (nếu tính giá lúa 5.000 đồng/kg, còn giá lúa cao hơn thì lợi nhuận sẽ nhiều hơn). Song song đó, nông dân không lo cảnh chạy vạy tiền mua vật tư, sợ mua nhầm phân thuốc giả, sợ dịch bệnh, mất mùa… bởi toàn bộ khâu canh tác đã có HTX lo liệu. Cái lợi thứ hai là sau khi giao đất cho HTX sản xuất thì nông dân có thời gian rảnh để làm những việc khác như buôn bán, làm ở các xí nghiệp, công ty… hoặc vào làm ở các khâu dịch vụ của HTX với mức lương bình quân 150.000 - 200.000 đồng/ngày/người”. Ông Huỳnh Thiện Minh, ở xã Mỹ Quý cho biết: “Cho HTX thuê 2ha đất lúa, anh thu về 42 tấn/năm; ngoài ra vợ chồng anh còn vào làm cỏ, bón phân, phun thuốc… cho HTX với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng, dư sức cho cả nhà chi tiêu. Đúng là, nông dân lợi trăm bề”.

 

Bên nào cũng lợi!

Do nông dân được “cầm cán” và được lợi nên ngay vụ đầu tiên triển khai đã có hơn 100ha đất lúa của 50 hộ ở huyện Tháp Mười tham gia bao tiêu “sản lượng”; sau đó, diện tích mà HTX thuê được nâng lên 300ha rồi 400ha… Tất cả diện tích lúa được HTX quy hoạch làm đê bao khép kín, tưới tiêu bằng trạm bơm hiện đại, các khâu bón phân, phun thuốc… đều được thực hiện đồng bộ và khoa học. Do sản xuất với quy mô lớn nên chi phí đầu tư giảm khoảng 20%, năng suất cao hơn so với nông dân tự làm bên ngoài. Đặc biệt, khi thu hoạch, lúa được bán cho các doanh nghiệp với giá cao hơn 10% so với gạo cùng loại, nhờ chất lượng đồng đều.

Giám đốc Huỳnh Thanh Thấm, tiết lộ: “Để mô hình mới này hoạt động ổn định, HTX Đức Huệ vận động các thành viên hùn vốn hàng tỷ đồng để mua phân thuốc, đầu tư sản xuất lúa. Huy động hàng chục máy xới đất, máy cày, máy bơm, máy cắt lúa… cùng làm cho HTX. Liên kết với các công ty sản xuất vật tư nông nghiệp cung ứng vật tư giá sỉ cho HTX, và hợp tác cùng doanh nghiệp lương thực thu mua lúa khi tới vụ thu hoạch. Trong quá trình sản xuất, HTX không thu lợi từ sản lượng, mà chủ yếu thu từ các khâu làm dịch vụ để bù vào. Cái được lớn nhất là tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, gắn chặt đầu vào - đầu ra, từ đó tiết giảm được chi phí đáng kể và lợi nhuận thu về nhiều hơn”. Sản xuất sạch và an toàn là tiêu chí hàng đầu của HTX Đức Huệ, vì vậy HTX đẩy mạnh trồng những giống lúa chất lượng phục vụ xuất khẩu; đồng thời làm theo các đơn đặt hàng của các công ty lương thực với giá cao hơn bên ngoài khoảng 200 đồng/kg. Bên cạnh đó, HTX Đức Huệ còn cung ứng hơn 500 tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; cung cấp hàng trăm tấn lúa mỗi năm với tổng doanh thu giao dịch hàng năm lên đến 100 tỷ đồng. Tới đây, HTX tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý sản xuất, sản xuất lúa sạch đảm bảo chất lượng cao và an toàn để nâng sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hướng đi của HTX Đức Huệ là phù hợp trong tình hình sản xuất mới theo quy mô lớn. Ở đó nông dân cho HTX thuê đất và không hề bị mất đất, đồng thời còn làm thêm các dịch vụ cho HTX để tăng thêm thu nhập. Từ cách làm hay này, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đề xuất chính sách khả thi để hỗ trợ HTX Đức Huệ hoàn thiện mô hình tập trung ruộng đất. UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan vận dụng sáng tạo các chính sách hiện có, đề xuất các chính sách thí điểm để hỗ trợ HTX Đức Huệ hoàn thiện hạ tầng sản xuất, quy trình kỹ thuật canh tác và xây dựng nhãn hiệu gạo. Còn Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhận xét, đây là mô hình đột phá từ thực tế cuộc sống, từ nhu cầu tất yếu của cơ chế thị trường, ở đó đòi hỏi sự năng động của HTX. Mô hình này tuy mới triển khai nhưng rất hứa hẹn...

 

TÂN HƯNG/nongthonviet.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 555

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 553


Hôm nayHôm nay : 49674

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1021842

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71249157