Nhiều con số ấn tượng
Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013. Sau 5 năm tích cực triển khai thực hiện (2013-2018), Bộ NN&PTNT cho biết kết quả thu được là rất ấn tượng, đã đạt hoặc gần tiệm cận được đến mục tiêu của năm 2020 về cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường.
Bộ NN&PTNT cho biết 5 năm qua, hệ thống thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được đổi mới, phù hợp và hiệu quả hơn. Nhiều quy định pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo thuận lợi và hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đã được ban hành, trong đó tập trung vào việc tháo gỡ những điểm nghẽn về đất đai, đầu tư, tín dụng nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, bảo hiểm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo…
Theo đánh giá tổng quan chung cả giai đoạn 5 năm, nông nghiệp đạt được tăng trưởng 2,55%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2 % so với bình quân của 5 năm trước.
Tính đến tháng 9/2018, cả nước có 13.006 HTX nông nghiệp và trên 62.550 tổ hợp tác được tổ chức lại và thành lập mới theo Luật HTX 2012. Kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn. Kinh tế trang trại phát triển nhanh, đến cuối năm 2017, cả nước có 35.542 trang trại, tăng 50,8% so với năm 2012.
Cả nước đã hình thành 1.029 mô hình chuỗi với 1.407 sản phẩm và 3.162 địa điểm bán sản phẩm thực hiện tiêu chuẩn sản xuất tốt, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Trong lĩnh vực trồng trọt, 5 năm qua, đã chuyển đổi khoảng 200.000 ha trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn, đồng thời, tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh thâm canh phòng trừ sâu bệnh.
Sau 5 năm, giá trị tăng thêm của lĩnh vực trồng trọt tăng 7,8%, thu nhập trên 1 ha tăng 4,8%; cây ăn quả đóng góp cho tăng trưởng trồng trọt từ mức 12% năm 2012 lên gần 32% năm 2017; các cây công nghiệp có giá trị cao đóng góp 43% cho tăng trưởng trồng trọt, tăng gần 16%.
Chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh. Sau 5 năm sản lượng thịt hơi các loại tăng 30%; thịt gia cầm tăng bình quân 17%; thịt lợn, thịt bò tăng 12,7%; thịt dê, cừu tăng 14%, sữa tươi tăng 47%; trứng gia cầm tăng 18,7%...
Trong lĩnh vực thuỷ sản, trong 5 năm qua, tổng sản lượng thủy sản tăng từ 5,92 triệu tấn lên 7,2 triệu tấn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 4,7%/năm, giá trị tăng thêm đạt 4,3%/năm. Giá trị trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt 206,8 triệu tấn, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2012.
Ngoài ra, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Năm 2017, có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 3 năm giai đoạn 2014-2016. Đến tháng 9/2018, cả nước có trên 49.600 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, chiếm 8% tổng doanh nghiệp cả nước, trong đó có 8.635 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, tăng 2,5 lần so với năm 2012.
Nông nghiệp Việt Nam đang lớn lên từng ngày
Theo báo cáo của Bộ NN&PTPT, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Năng lực cạnh tranh và vị thế của nông nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Sản xuất nông nghiệp giúp tăng thu nhập bình quân của người nông dân lên mức 36 triệu đồng/năm, cao hơn 10 triệu đồng so với trước khi thực hiện tái cơ cấu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,1% đầu năm 2013 còn khoảng 7%. Thành tựu tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Đánh giá cao những thành tựu sau 5 năm tái cơ cấu Nông Nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng cho rằng, điểm nổi bật là đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và thống nhất về quan điểm, hành động quyết liệt của các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương, sự nỗ lực của các nhà khoa học, bà con nông dân và cộng đồng các doanh nghiệp. Dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, tuy nhiên, bước vào giai đoạn mới, nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
"Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn tới vẫn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để thực hiện được quá trình đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực này, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng mong muốn mỗi người nông dân tiếp tục chủ động, tích cực, các doanh nghiệp không ngừng đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam thông minh". Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Ông Trương Minh Hoàng, Uỷ viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng không chỉ riêng Bộ NNN&PTNT, cần có sự tham gia của các Bộ ngành liên quan vào việc định hướng quy hoạch sản xuất. “Đơn cử, Bộ Công Thương phải vào cuộc, tham gia tìm thị trường tiêu thụ ở đâu, nắm được sắp tới mặt hàng này có thể bán cho ai, nhu cầu của họ là bao nhiêu… có vậy mới tránh dư thừa hàng hoá hay “được mùa mất giá””.