04:33 EST Thứ năm, 14/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tái cơ cấu ngành nông nghiệp


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Lấy nông dân làm chủ thể của tái cơ cấu nông nghiệp

Thứ hai - 15/05/2017 05:33
Mọi đổi mới kinh tế - xã hội đều bắt đầu từ con người và chỉ khả thi khi nền tảng văn hóa của con người sẵn sàng cho sự đổi mới ấy. Vì vậy, cách tiếp cận của Đồng Tháp trong tái cơ cấu nông nghiệp bắt đầu từ việc thay đổi ý thức và tầm nhìn của cộng đồng.

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện đang có 140 nghìn hecta làm lúa vụ ba, chiếm 28% tổng diện tích trồng lúa của tỉnh. Lúa vụ ba ở Đồng bằng Sông Cửu Long gắn liền với hệ thống bờ bao ngăn lũ được xây dựng mà hậu quả là cũng ngăn luôn cả phù sa. Sau vài năm liên tục gánh ba vụ lúa mỗi năm, đất bị vắt kiệt sự màu mỡ, đồng thời việc kéo dài liên tục các vụ lúa khiến sâu bệnh nở rộ. Không cách nào khác, người nông dân phải tăng phân bón và thuốc trừ sâu, nhưng làm cách nào thì hạt lúa cũng không thể thơm ngon như trước. Như vậy chi phí đội lên trong khi chất lượng, giá trị hạt gạo và mức độ an toàn giảm, khiến lợi nhuận giảm theo và rủi ro cao hơn cho người tiêu dùng cũng như môi trường sinh thái. Tình trạng bất cập – nếu không muốn nói là nhức nhối – này đã lặp đi lặp lại qua nhiều năm.

Sự bế tắc về lúa vụ ba chỉ là một trong những ví dụ điển hình cho tư duy làm nông nghiệp chạy theo sản lượng xuất phát từ tầm nhìn ngắn hạn, cục bộ, từng tồn tại trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và vẫn còn tồn tại dai dẳng cho đến tận ngày nay. Để thay đổi thực trạng ấy, phải bắt đầu từ yếu tố con người, mà chủ thể quan trọng nhất là người nông dân.

Chính vì vậy, một trong những quan điểm quan trọng nhất của Đồng Tháp trong tái cơ cấu nông nghiệp đó là tập trung hàng đầu vào thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân, thúc đẩy họ chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, nghĩa là nâng cao chất lượng, hiệu quả thể hiện ở giá trị và lợi nhuận, thay vì chỉ tối đa hóa sản lượng; đồng thời hướng người nông dân theo tầm nhìn dài hạn, không chỉ quan tâm tới lợi ích bản thân mà cả lợi ích chung của cộng đồng.

Quan điểm và cách tiếp cận đó của Đồng Tháp trong tái cơ cấu nông nghiệp được phản ánh rõ nhất qua những chuyến đi miệt mài xuống các thôn ấp nói chuyện trực tiếp trước nông dân của ông Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan. “Bà con tính coi, dù đã đội thêm các khoản thuế, phí cùng tiền công vận chuyển, vậy mà gạo Campuchia vẫn đủ sức cạnh tranh ngay trên sân nhà của chúng ta, vậy bà con thấy phải làm sao?” Đó là một trong nhiều câu hỏi nóng mà ông Hoan đặt ra cho những người nông dân xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh trong một bài nói chuyện diễn ra cách đây không lâu trong tháng Tư. Những bài nói chuyện như vậy kéo dài hai tới ba tiếng nhưng đầy cuốn hút với nông dân, trong đó xen kẽ sinh động rất nhiều câu chuyện người thực việc thực, những thước phim tư liệu, cùng những bài học tâm đắc rút ra từ các cuốn sách được ông đưa ra làm dẫn chứng – từ Khuyến học của Fukuzawa tới Cuộc cách mạng từ một cọng rơm của Fukuoka.

Giải pháp duy nhất khả dĩ tháo gỡ bế tắc về lúa ba vụ, theo ông Nguyễn Thành Tài, PGĐ Sở NN&PTNT Đồng Tháp, là xen một vụ màu vào giữa hai vụ lúa. Việc cắt giảm một vụ lúa như vậy sẽ giúp loại bớt sâu bệnh cho cây lúa và cho phép đất được nghỉ ngơi để phục hồi phần nào. Tuy nhiên, trong số 140 nghìn hecta trồng lúa vụ ba, hiện nay mới chỉ có 25 nghìn hecta là đã thay một vụ lúa bằng một vụ màu, ông Tài cho biết. Để có thể mở rộng diện tích trồng màu với 115 nghìn hecta lúa vụ ba còn lại, người nông dân cần có nhiều kênh tiêu thụ ổn định. Như vậy, bản chất sự bế tắc về lúa ba vụ không chỉ là vấn đề nhận thức của người nông dân, mà quan trọng hơn là tìm đầu ra ổn định cho hoa màu được trồng thay thế cho vụ lúa thứ hai trong năm.

Tất cả những nỗ lực ấy của ông Hoan phục vụ cho chiến lược mà ông gọi là mưa dầm thấm lâu. Nó không hào nhoáng với các ngôn từ như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy hợp tác ba nhà – bốn nhà, v.v. mà nhiều vị lãnh đạo, chuyên gia khác vẫn thường nói trong các hội nghị về chủ đề tái cơ cấu nông nghiệp. Mặc dù Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp cũng đề cập rất đầy đủ vai trò của các mắt xích doanh nghiệp, hợp tác xã, khu nông nghiệp công nghệ cao,…, nhưng trao đổi với chúng tôi, dường như ông Lê Minh Hoan cho rằng chiến lược mưa dầm thấm lâu hướng vào người nông dân là điều phù hợp và có ý nghĩa thực chất nhất. Phải trực tiếp đến Đồng Tháp, chúng ta mới hiểu rõ căn nguyên của cách nhìn này.

Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo

Một trong những định hướng quan trọng hàng đầu trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp là xây dựng chuỗi ngành hàng và vùng chuyên canh, qua đó cho thấy sự chú trọng đặc biệt dành cho mối liên kết giữa nông dân doanh nghiệp. Điều này cũng dễ hiểu bởi nếu thiếu sự liên kết này, nông sản của nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và xúc tiến xuất khẩu, và những vùng chuyên canh quy mô lớn sẽ không thể hình thành, phát triển bởi đầu ra không đảm bảo.

Để việc bao tiêu sản phẩm trở nên khả thi, doanh nghiệp phải có đủ tiềm lực, có hệ thống kho bãi bảo quản hiện đại, gắn với chuỗi tiêu thụ để đảm bảo đầu ra. Đối với Đồng Tháp, một tỉnh nằm xa trung tâm và điều kiện hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, việc thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực như vậy trong nông nghiệp là điều không dễ dàng, bởi khoảng cách vận chuyển xa làm tăng chi phí và hư hao cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có lẽ trở ngại lớn nhất với doanh nghiệp là tạo mối liên kết bền vững với người nông dân.

Hiện nay, Đồng Tháp bước đầu đã có một vài doanh nghiệp đủ năng lực chiếm lĩnh thị trường và đảm bảo đầu ra cho nông dân. Tuy nhiên, những doanh nghiệp như vậy hầu như mới chỉ tập trung vào một vài ngành nông sản nhất định như cá tra hay xoài, và lượng đặt hàng của họ còn rất hạn chế bởi chỉ một tỉ lệ nhỏ nông dân tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn về nuôi trồng nông sản sạch (Global Gap, VietGap).

Trong ngành lúa gạo, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp đặc biệt thiếu bền vững. Cỏ May, một công ty đa ngành nghề đã thành công trong mô hình liên kết với người nuôi cá, vừa bán thức ăn chăn nuôi vừa đảm bảo đầu ra cho người nuôi cá, thế nhưng với sản phẩm lúa gạo – một trong những sản phẩm chủ lực truyền thống của công ty và là thương hiệu lúa gạo hàng đầu của tỉnh – họ lại thất bại khi cố gắng tạo dựng vùng nguyên liệu theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Nguyên nhân bởi đến mùa thu hoạch người nông dân tự phá vỡ hợp đồng, bán cho thương lái những nông sản mà trước đó đã được doanh nghiệp đầu tư cung ứng giống. “Chúng tôi thuê ghe đến chở hàng như đã hẹn mà rồi đành phải quay về trắng tay”, bà Hoàng Thị Minh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cho biết.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN Đồng Tháp, quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân đang gặp vướng mắc bởi cả hai phía đều không tin tưởng nhau: những doanh nghiệp hoạt động bài bản đòi hỏi nông dân gây dựng được vùng nguyên liệu sạch rồi mới dám ký hợp đồng trong khi nông dân đòi hỏi doanh nghiệp đảm bảo bao tiêu đầu ra rồi mới dám đầu tư làm vùng nguyên liệu sạch.

Qua chia sẻ của bà Hà và ông Tuấn, chúng ta phần nào hiểu được vì sao Đồng Tháp chú trọng việc thay đổi nhận thức của người nông dân, bởi chỉ khi người nông dân có tầm nhìn dài hạn, có ý thức tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn trong sản xuất và giữ gìn chữ tín trong kinh doanh, khi đó họ mới chứng tỏ được mình là mắt xích đáng tin cậy trong chuỗi ngành hàng.

Tuy nhiên, ý thức và sự chuyên nghiệp của người nông dân chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ để đảm bảo sự liên kết bền vững giữa họ với doanh nghiệp. Nếu bản thân doanh nghiệp không đủ tiềm lực đảm bảo bao tiêu đầu ra cho nông dân thì chính họ rất dễ trở thành bên thất tín. Đây là điều khá thường xuyên xảy ra, qua lời bộc bạch của ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Hợp tác xã Tân Cường: “Doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì nhiều, nhưng thực sự thực hiện được hợp đồng thì không có bao nhiêu”.

Cải tiến khoa học kỹ thuật: điều nông dân quan tâm nhất vẫn là đảm bảo đầu ra

Doanh nghiệp và nông dân là hai chủ thể cơ bản trong tiến trình vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Đối với khu vực doanh nghiệp ở Đồng Tháp, có thể thấy một số doanh nghiệp có tiềm lực đã khá chủ động trong đổi mới công nghệ nhằm chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Vĩnh Hoàn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tiếp nhận dây chuyền công nghệ sản xuất collagen từ phụ phẩm cá tra; Cỏ May cũng đang đầu tư vài chục tỷ đồng nghiên cứu sản xuất các loại tinh dầu…  Ngoài các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh như vậy, cũng phải kể đến các doanh nghiệp khởi nghiệp, thường do các bạn trẻ có tri thức và giàu tâm huyết cùng tinh thần năng động sáng tạo, biết phát huy những lợi thế của địa phương mình để tạo ra những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, điển hình như thương hiệu gạo Tâm Việt nổi tiếng của doanh nhân khởi nghiệp 26 tuổi Võ Văn Tiếng.

Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp có ý thức đầu tư cho KH&CN như trên ở Đồng Tháp còn chưa nhiều, và dù là những doanh nhân khởi nghiệp năng động, linh hoạt như Võ Văn Tiếng, hay thậm chí các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh như Vĩnh Hoàn, Cỏ May thì phạm vi ảnh hưởng trong cộng đồng còn khá giới hạn.

Về phía người nông dân, tỉnh đã có những nỗ lực thúc đẩy cơ giới hóa các khâu sản xuất, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật (ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa hữu cơ, thí điểm sử dụng phân bón thông minh, ứng dụng chế phẩm sinh học nấm xanh Ometar trong phòng trừ rầy nâu…), tổ chức lại quy trình sản xuất xoài nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP… Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đã thực hiện thành công kỹ thuật nhân nhanh một số giống hoa kiểng mới, lạ ở vùng ôn đới như: hoa đồng tiền, hoa ly, hoa chuông... cung cấp cho nhà vườn trồng hoa tại TP. Sa Đéc, góp phần hình thành thương hiệu “Thành phố Hoa Sa Đéc” trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Trong bối cảnh mối liên kết với các doanh nghiệp chưa khăng khít, người nông dân phải tiêu thụ sản phẩm qua những kênh trôi nổi bấp bênh. Điều đó khiến việc làm nông nghiệp sạch là điều khó khả thi bởi chi phí đầu tư cao mà đầu ra lại không đảm bảo. Hi hữu cũng có một số người bỏ tiền của, công sức để làm nông sản hữu cơ, chấp nhận trước mắt bán cho thương lái với giá chỉ tương đương với các nông sản khác và kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi tìm được kênh tiêu thụ với giá thành tương xứng với công sức, chi phí bỏ ra. Tuy nhiên, do phân khúc thị trường nông sản hữu cơ còn rất hẹp nên đây là con đường đầy khó khăn và rủi ro mà số đông người nông dân khó chấp nhận.

Nhưng phần lớn các mô hình trên chưa mang lại ảnh hưởng trên quy mô rộng. Bà con nông dân còn dè dặt trong áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, một phần do không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn vì họ tin vào những kinh nghiệm và thói quen truyền thống. Nhưng nguyên nhân lớn hơn, như chia sẻ từ ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đó là người nông dân chỉ dám mạnh dạn áp triển khai thực hiện khi có kết quả thực tiễn từ mô hình thí điểm cho thấy mang lại gia tăng lợi nhuận một cách rõ rệt. Hay nói cách khác, người nông dân chỉ tin vào KH&CN khi được đảm bảo tiêu thụ đầu ra. Điều này đã được thực tiễn chứng minh với thành công của ngành cá tra: đây là ngành đảm bảo đầu ra một cách ổn định nhất, đồng thời cũng là ngành bà con nông dân tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật một cách nghiêm túc nhất, với trên 95% vùng nuôi được chứng nhận sản xuất an toàn.

Vai trò các hợp tác xã

Trong những ngành hàng mà mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn bấp bênh thì các hợp tác xã được kỳ vọng là tầng đệm giúp giảm bớt rủi ro cho nông dân khi có thể mua nông phẩm tạm trữ, hoặc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá cố định từ đầu hay có điều tiết khi thị trường biến động, tùy theo thỏa thuận với từng hộ. Các hợp tác xã cũng được trông đợi sẽ xây dựng thói quen mua chung, bán chung ở người nông dân: cùng mua vật tư đầu vào để có đơn hàng lớn, đặt chính hãng tại nhà máy, tránh nguy cơ mua phải hàng nhái, kém chất lượng; cùng bán để tạo sức mạnh trong đàm phán, tránh bị thương lái ép giá. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn là nhân tố thúc đẩy cải tiến kỹ thuật, tổ chức lại quy trình sản xuất theo xu hướng chuyên nghiệp, chính xác, làm tới đâu có ghi chép hồ sơ chính xác tới đó, tiếp cận với đòi hỏi về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của một nền nông nghiệp sạch.

Tuy nhiên, trên thực tế đa số các hợp tác xã chưa đáp ứng được những kỳ vọng này, chủ yếu do năng lực quản trị và tiềm lực kinh tế còn hạn chế. Tiềm lực kinh tế chưa đủ nên các hợp tác xã chưa cung ứng được nhiều dịch vụ và không san sẻ được nhiều rủi ro cho nông dân. Nằm trong số các hợp tác xã có tiềm lực mạnh hàng đầu của tỉnh nhưng hợp tác xã Tân Cường chỉ có thể mua lúa gạo tạm trữ cho nông dân trong thời gian ba tháng. “Để có thể bảo quản trong thời gian lâu dài hơn sẽ phải đầu tư tới vài trăm tỷ đồng, điều đó là quá sức với một hợp tác xã”, ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc HTX Tân Cường chia sẻ.

Năng lực quản trị hạn chế khiến các hợp tác xã chưa làm tốt chức năng giám sát việc sử dụng vật tư đầu vào và thực hiện các quy trình, kỹ thuật sản xuất, chưa khắc phục được sự thiếu chuyên nghiệp cùng những hạn chế về nhận thức và thói quen chạy theo lợi ích trước mắt của người nông dân. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo hợp tác xã Tân Cường than phiền về tình trạng người nông dân không tuân thủ đúng yêu cầu “mua chung”, tự ý mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém phẩm chất từ bên ngoài, khiến năng suất, chất lượng nông sản không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, đại diện các cơ quan chức năng khi được hỏi về vấn đề này lại khẳng định rằng đa số người nông dân thừa biết ở địa phương mình đâu là nơi bán vật tư nông nghiệp kém phẩm chất, song dù biết thì họ vẫn chủ động mua, bởi giá rẻ, lại được mua chịu. “Cơ quan quản lý không thể nắm rõ tình hình địa bàn như người dân. Nông dân họ biết hết trơn, nhưng họ không nói. Trong khi đó, việc xử lý [các đối tượng bán vật tư nông nghiệp đầu vào là hàng giả, hàng nhái] phải qua các bước lấy mẫu để kiểm nghiệm, trong quá trình kiểm nghiệm thì không được cấm cơ sở bán hàng, mà kiểm nghiệm xong thì nhiều khi hàng đã bán hết rồi, và chế tài xử phạt theo luật định lại quá nhẹ”, ông Nguyễn Thành Tài, PGĐ Sở NN&PTNT bộc bạch.

Mấu chốt của tái cơ cấu nông nghiệp là giảm thiểu rủi ro

Từ nhiều thập kỷ trở lại đây, người nông dân sản xuất, kinh doanh một cách manh mún, nhỏ lẻ. Tính hình thức, quan liêu dẫn tới đổ vỡ của mô hình các hợp tác xã trước đây khiến người nông dân mất lòng tin vào kinh tế hợp tác và dẫn tới tâm lý mạnh ai nấy làm. Tiềm lực của cá nhân và từng nông hộ là quá nhỏ trong khi thị trường lại luôn biến động bấp bênh nên người nông dân thường chạy theo cái lợi trước mắt. Câu chuyện về vấn đề lòng tin và chữ tín mà doanh nghiệp Cỏ May chia sẻ là một minh chứng điển hình cho thấy tái cơ cấu một nền nông nghiệp phải bắt đầu từ việc đổi mới nền tảng văn hóa và nhận thức con người. Thiếu nền tảng nhận thức và văn hóa, người nông dân sẽ không tuân thủ đúng các quy trình ứng dụng tiến bộ KH&CN mới trong nông nghiệp, không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong nông nghiệp sạch, khó có mối liên kết bền vững với doanh nghiệp và càng khó nuôi dưỡng, phát triển tinh thần hợp tác để có được những hợp tác xã một cách đúng nghĩa.

Đó là lý do Bí thư Lê Minh Hoan và các nhà quản lý ở Đồng Tháp quyết tâm đổi mới tư duy, nhận thức người nông dân, cho dù phải theo cách tiếp cận mưa dầm thấm lâu. Những hội quán lần lượt hình thành ở các xã, do người dân tự lập ra theo nhu cầu của cộng đồng và hoạt động vì mục tiêu tự thân của cộng đồng, có thể coi là tín hiệu tích cực cho thấy cách tiếp cận ấy của những người lãnh đạo Đồng Tháp bước đầu đã có kết quả.

Tuy nhiên, gốc rễ của tái cơ cấu trong nông nghiệp không chỉ là thay đổi văn hóa, nhận thức, mà còn là tìm lời giải để giảm rủi ro cho người nông dân. Xuyên suốt các vấn đề, lĩnh vực được đề cập trong bài viết, chúng ta thấy điều người nông dân đau đáu nhất luôn là việc đảm bảo đầu ra cho nông sản. Nếu không có đầu ra cho vụ màu, người nông dân sẽ tiếp tục trồng lúa ba vụ. Nếu đa số các doanh nghiệp không đủ tiềm lực bao tiêu nông sản, nông dân sẽ tiếp tục nhìn các doanh nghiệp bằng con mắt ngờ vực và các vùng nguyên liệu sẽ rất khó hình thành. Các quy trình, tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, hay các tiến bộ KH&CN sẽ không thể triển khai nếu không chứng minh được nông sản làm ra có thị trường và lợi nhuận gia tăng. Nói một cách ngắn gọn, nếu mức rủi ro mà nông dân phải gánh chịu quá lớn, họ sẽ không thể gánh vác, hoặc sẽ tìm cách đẩy rủi ro đó cho người khác.

Để đảm bảo đầu ra cho nông sản, chúng ta thường trông chờ vào những doanh nghiệp lớn, đủ tiềm lực để gánh bớt một phần rủi ro từ thị trường cho nông dân. Nhưng thực tiễn từ Đồng Tháp cho thấy điều ấy là bất cập, bởi những doanh nghiệp giàu tiềm lực như vậy không nhiều và thường chỉ tập trung trong một số ngành hàng nhất định. Vì vậy, vấn đề mấu chốt mà các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cần quan tâm là xây dựng một sân chơi phù hợp, cho phép những doanh nghiệp hay các hợp tác xã có tiềm lực vừa phải cũng có thể san sẻ bớt rủi ro cho người nông dân một cách hiệu quả. Ví dụ: một số địa phương có thể bàn bạc với cộng đồng các doanh nghiệp, hợp tác xã để chung sức xây dựng kho bảo quản sau thu hoạch ở một vị trí đảm bảo tính tối ưu trong lưu thông cho cả vùng, sau đó cho các doanh nghiệp và hợp tác xã thuê lại từng phần theo mức giá phải chăng, với diện tích lớn nhỏ tùy theo nhu cầu, năng lực của họ. Như vậy, nông sản có thể được tạm trữ với thời gian dài hơn, giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bán trước những biến động thị trường. Một ví dụ khác là nghiên cứu chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hình thành các sàn giao dịch điện tử trong nông nghiệp, qua đó đảm bảo hàng hóa và các tài nguyên được mua bán, thuê mướn một cách linh hoạt, minh bạch và tối ưu, các giao dịch diễn ra trên tinh thần cạnh tranh lành mạnh, có khả năng truy xuất và quy trách nhiệm, giảm thiệu sự thao túng, độc quyền và những gian lận, phá vỡ hợp đồng – sàn giao dịch điện tử cũng có thể là công cụ để các nhà quản lý thường xuyên cập nhật giá cả và có nguồn dữ liệu cần thiết phục vụ dự báo thị trường.

Cách tiếp cận như vậy đòi hỏi một nhìn nhận khác về thực tiễn trong nông nghiệp. Chúng ta đã chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế trong nông nghiệp, từ chú trọng sản lượng sang chú trọng lợi nhuận, nhưng trên thực tế không ai có thể tự định đoạt lợi nhuận nếu giá cả biến động ngoài khả năng dự đoán. Khi ấy, người ta chỉ có thể tối ưu hóa lợi nhuận mà họ kỳ vọng sẽ xảy ra. Bởi vậy, trong thực tiễn nông dân vẫn chạy theo sản lượng, điều ấy không phải do sự lệch lạc trong nhận thức, mà trái lại đó là một tính toán có cân nhắc, rằng ngay cả trong kịch bản xấu nhất khi bán không được giá thì ít ra còn có sản lượng bù lại. Phương thức ấy có thể không cho ra lợi nhuận thực tế cao nhất, nhưng có thể là lựa chọn được kỳ vọng là bảo vệ lợi ích một cách tốt nhất cho nông dân tại thời điểm khi họ buộc phải đưa ra quyết định trong điều kiện thị trường nhiều rủi ro và thiếu thông tin.

Thực tiễn từ Đồng Tháp cho thấy hoạt động nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp ở các cơ sở khoa học công lập địa phương cần theo sát định hướng từ thị trường, bởi người nông dân chỉ chấp nhận áp dụng những tiến bộ KH&CN đã chứng minh được rõ rệt khả năng thương mại hóa. Vì vậy, theo quan điểm của Sở KH&CN Đồng Tháp, việc triển khai thương mại hóa các kết quả nghiên cứu cần được đẩy mạnh để có thể chứng minh tính hiệu quả với nông dân. Một số khuyến nghị cụ thể như sau: Sửa đổi quy định về việc quản lý tài sản và chuyển giao kết quả nghiên cứu của Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 01 tháng 09 năm 2015 để cho phép kết quả của các đề tài nghiên cứu sử dụng kinh phí nhà nước được giao cho đơn vị chủ trì và tổ chức có khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu mà không thu hồi kinh phí. Tăng cường yêu cầu tự chủ đối với các cơ sở KH&CN thuộc Sở, bằng cách sửa quy định về cơ cấu các tổ chức tham mưu, tổng hợp và số lượng đơn vị sự nghiệp thuộc Sở của Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 15 tháng 10 năm 2014 theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối tổ chức tham mưu, tổng hợp; quy định cứng đơn vị sự nghiệp thuộc Sở theo xu hướng tự chủ, cấp kinh phí theo nhiệm vụ thực tế. Đổi mới cơ chế, giải pháp để rút ngắn thời gian đăng ký, cấp chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp. Ban hành quy định về hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng đối với “nhà khoa học chân đất” để khơi dậy và đưa những kết quả nghiên cứu, sáng tạo không chuyên phục vụ thiết thực sản xuất và đời sống. Thông tin với địa phương về các nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước đã đề xuất, được phê duyệt thực hiện trên địa bàn để biết phối hợp triển khai.

Nguồn: http://tiasang.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 508

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 505


Hôm nayHôm nay : 30135

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 547637

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 70774952