Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng ngày 27/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu một thực tế, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông sản 4 tháng đầu năm 2015 sụt giảm nghiêm trọng (khoảng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái), nguyên nhân do thị trường thế giới có nhiều biến động bất ngờ, một số mặt hàng nguồn cung tăng đáng kể từ một số nước trong khi nhu cầu không thay đổi khiến giá nhiều mặt hàng giảm sâu như càphê, thủy sản, gạo,… Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thừa nhận, một trong những lý do khiến tình hình tiêu thụ nông sản trong thời gian qua gặp khó là do nhiều địa phương, người dân chỉ chú ý tăng diện tích, sản lượng mà không chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp của ta chủ yếu vừa và nhỏ, sản phẩm phần lớn chưa có thương hiệu nên khó thâm nhập vào những thị trường khó tính. “Nếu thời gian tới, các doanh nghiệp không chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì công tác xuất khẩu sẽ còn gặp khó khăn”, ông Thừa nói.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Mặc dù kim ngạch XK mặt hàng thủy sản 4 tháng đầu năm giảm tới 23% nhưng ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, không nên quá lo lắng khi thấy kim ngạch XK những tháng đầu năm giảm, bởi lượng hàng nhập khẩu tồn từ năm 2014 còn, sự lên xuống của giá cả cũng là điều bình thường của thị trường. Điều quan trọng là ngành chức năng, các địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để xác định rõ mục tiêu, cách làm để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản.
Đánh giá về việc thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về liên kết “4 nhà”, ông Dũng khẳng định, nhìn từ phía doanh nghiệp, chúng ta thực hiện chính sách vừa đủng đỉnh vừa hấp tấp. Đủng đỉnh là vì đến nay, sau hơn 12 năm, dù chuỗi sản xuất đã có nhiều thay đổi nhưng Quyết định 80 được ra đời năm 2002 vẫn không có gì mới, trong khi việc xử lý các vi phạm thì gấp gáp, hấp tấp. Trên thực tế, thời điểm trước năm 2002, chỉ có 5% doanh nghiệp thủy sản chủ động liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu thì đến nay con số này đã lên đến 70% nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi vay vốn. “Chúng ta hay nói đến việc phối hợp nhưng lại làm yếu nhất ở khâu này, ngành chức năng, địa phương xây dựng quy hoạch rất đẹp nhưng thực tế triển khai lại không được như vậy. Nếu không có sự phối hợp, xây dựng chính sách đồng bộ thì bên bán cứ bán bên làm cứ làm như hiện nay”, ông Dũng nói.
Thời gian qua, dưa hấu ở các tỉnh Nam Trung Bộ vào vụ, dẫn đến ế thừa, nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra kêu gọi tiêu thụ dưa cho nông dân. (Ảnh: nguoiduatin.vn)
Ông Thừa cho biết, việc xây dựng quy hoạch luôn được bộ triển khai rất bài bản, lấy ý kiến đầy đủ các bên từ sản lượng, diện tích trồng, thị trường ra sao và định hướng dài hạn thế nào... nhưng triển khai thì không đúng, nhiều địa phương quy hoạch bị phá vỡ (cây cà phê, quy hoạch đến năm 2020 chỉ 500.000ha nhưng đến nay đã đạt hơn 600.000ha; cây cao su vượt 400.000ha so với quy hoạch đến năm 2020). Hay như câu chuyện cây mắc-ca, trong khi Bộ Nông nghiệp và PTNT đang làm quy hoạch, phấn đấu đến năm 2020 chỉ đạt khoảng 10.000ha thì ở nhiều địa phương nông dân đã ùn ùn trồng loại cây này, diện tích có thể lên đến hàng nghìn hecta. “Nếu ví mối liên kết 4 nhà như một giàn nhạc thì hiện nay các thành viên trong giàn nhạc chưa ăn khớp với nhau, vẫn mạnh ai nấy làm", ông Thừa nhận xét.
Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, tránh những câu chuyện đau lòng như thanh long, dưa hấu, hành tím và mới đây nhất là tình trạng gạo ùn ứ trên cửa khẩu Lào Cai, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đang đẩy mạnh các giải pháp để tạo ra lợi thế so sánh của các mặt hàng nông lâm sản của Việt Nam.
Cụ thể hơn, theo thứ trưởng, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung-cầu các mặt hàng trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh việc phát triển hệ thống thương mại nội địa nhất là hệ thống phân phối, lưu thông giúp tiêu thụ tốt hơn. Đặc biệt, các chính sách sẽ tập trung khắc phục và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở xác định lại những sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu; nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường tiêu thụ cụ thể như sản lượng bao nhiêu là đủ, chất lượng như thế nào, thậm chí giá cả ra sao theo từng giai đoạn cũng như phải định hướng cho người dân trồng cây gì cho phù hợp. Hơn nữa, cần thiết lập chuỗi liên kết, cung ứng từ sản xuất- chế biến- thị trường.
Khánh Nguyên
Theo kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn