Việt Nam vừa giành 3 trong tổng số 23 giải thưởng do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực quốc tế (FAO):
Trao cho các cá nhân và tổ chức của các nước thành viên đã có thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống phục vụ cho việc bảo đảm an ninh lương thực.
Trong đó, giải "Thành tựu xuất sắc” về đột biến tạo giống bằng bức xạ được trao cho Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam với việc tạo ra được nhiều giống cây trồng như lúa, ngô, đậu tương, hoa,… được công nhận là giống quốc gia và được gieo trồng trên hàng trăm nghìn ha. Hai giải thưởng khác được trao cho tập thể Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam và Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh, và cho 2 cá nhân là Hồ Công Cua và Trần Tấn Phương thuộc Sở KH&CN Long An đã đạt được các thành tích trong lĩnh vực đột biến tạo giống. Nhân dịp này, GS. VS. Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam đã có những chia sẻ tâm huyết của một người dành trọn cuộc đời cho công tác nghiên cứu khoa học, với mong muốn giúp cho nền nông nghiệp nước nhà ngày càng phát triển.
Mong được sử dụng đúng người, đúng việc
Ở Việt Nam, lần đầu tiên chúng ta có Ngày Khoa học công nghệ (ngày 18-5) để tôn vinh các nhà khoa học với những thành tựu của họ. Đồng thời thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ý nghĩa là vậy, nhưng là 1 trong 22 nhà khoa học được vinh danh ngày 18-5 vừa qua, tôi để ý thấy khi chúng tôi lên sân khấu nhận hoa thì phía dưới hàng ghế khán giả mọi người đã về gần hết. Tôi nói ý này để thấy rằng, chúng ta vẫn nói phải coi trọng khoa học công nghệ nhưng dường như tất cả vẫn chỉ là lý thuyết, chưa thực sự làm được.
Một dẫn chứng khác: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - nơi có 19 viện trực thuộc với khoảng 3.000 nhà khoa học, hàng chục giáo sư đầu ngành, 3 viện sĩ nhưng vai trò thẩm định, phản biện về mặt khoa học nông nghiệp trong 10 năm qua rất hạn chế. Năm 2005, Bộ NN&PTNT xây dựng dự án nghiên cứu và phát triển một triệu ha lúa lai ở Việt Nam với kinh phí 1.200 tỷ đồng. Trong quá trình dự thảo, Bộ có công văn gửi Hội Giống cây trồng Việt Nam đề nghị góp ý. Các nhà khoa học của Hội Giống cây trồng chúng tôi đã xem xét và đưa ra ý kiến thực hiện dự án chỉ với 46 tỷ đồng, giúp nhà nước tiết kiệm hơn 1.100 tỷ đồng.10 năm nay chúng tôi "thất nghiệp”. Không chỉ Hội chúng tôi mà Hội Chăn nuôi thú y rồi Hội Bảo vệ thực vật cũng trong tình trạng tương tự.
Tự chủ trong khoa học
Một trong những việc cần làm hiện nay, theo tôi đó là phải thực sự đổi mới vai trò của Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật với chức năng phổ biến khoa học kỹ thuật. Làm sao để khoa học công nghệ phải xuất phát từ sản xuất và kết hợp với các doanh nghiệp có sản phẩm cụ thể. Tôi lấy ví dụ, Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang đã triệu tập 1.000 kỹ sư đưa xuống cùng nông dân làm. Kết quả, sản xuất được 20 vạn ha lúa cho năng suất cao, nông dân được hưởng cái lợi từ đấy. Một mình công ty này không thể làm nổi mà là sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành.
Hiện chúng ta có 20 nghìn cử nhân, thậm chí có những kỹ sư nông nghiệp tốt nghiệp đàng hoàng nhưng không có việc làm. Nếu như Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật rồi UBTƯMTTQ Việt Nam huy động toàn bộ lực lượng kỹ sư trẻ về nông thôn giúp bà con thì hiệu quả chắc chắn sẽ khác. Chúng ta có thể sẽ có giống cà chua 200 tấn trong khi bây giờ là 50 tấn và nhiều sản phẩm cho năng suất, chất lượng cao gấp hàng chục, hàng trăm lần so với hiện nay. Đó là một trong những điểm đột phá chúng tôi mong muốn.
Theo xaluan.com