Chuỗi giá trị (Value chain) là một mô hình thể hiện một chuỗi các các hoạt động tham gia vào việc tạo ra giá trị của sản phẩm và thể hiện lợi nhuận từ các hoạt động này. Các chuỗi hoạt động này có thể diễn ra theo thứ tự nối tiếp nhau hoặc theo thứ tự song song. Mô hình này phù hợp ở cấp độ đơn vị kinh doanh (business unit) của một ngành cụ thể. Sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động của chuỗi theo thứ tự và tại mỗi hoạt động sản xuất thu được một số giá trị nào đó. Chuỗi các hoạt động mang lại sản phẩm nhiều giá trị gia tăng hơn tổng giá trị gia tăng của các hoạt động cộng lại. Chuỗi giá trị được đề xuất bởi Michael Porter - Giáo sư của Trường Đại học Harvard, Mỹ - lần đầu tiên vào năm 1985.
Mô hình liên kết chăn nuôi giữa C.P. Việt Nam và nông hộ đang cho hiệu quả cao Ảnh: Vũ Mưa
Hiện nay ở nước ta đang có hai hình thức liên kết đặc trưng trong chăn nuôi là liên kết theo đường đi của sản phẩm, từ người sản xuất đến người tiêu dùng (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh (liên kết ngang). Về liên kết dọc, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo thị trường tiêu thụ. Còn người chăn nuôi nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất đai của họ. Điển hình triển khai mô hình này là Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Tập đoàn Dabaco, Công ty Emivest, Công ty Japfa… Trong liên kết ngang, người sản xuất và đơn vị kinh doanh (các HTX và tổ hợp tác…) liên kết nhằm giúp đỡ nhau, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ gia đình xã viên phát triển (điển hình như HTX chăn nuôi Nam Hưng, Hải Dương; HTX Cổ Đông, Hà Nội; HTX Gò Công, Tiền Giang…). Trong mô hình liên kết này, các đơn vị kinh doanh đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất bao gồm cả đầu vào, đầu ra cho các hộ xã viên (vật tư, phân bón, TĂCN), đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa bà con xã viên với các doanh nghiệp giết mổ, chế biến, xuất khẩu. Vai trò của doanh nghiệp trong mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị là rất quan trọng, có tính quyết định cho việc hình thành và phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi một cách bền vững. Doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo thị trường tiêu thụ trong liên kết dọc. Người chăn nuôi được hỗ trợ một phần chi phí khi sản xuất. Trong mô hình liên kết ngang, người sản xuất và đơn vị kinh doanh (điển hình là các HTX, tổ hợp tác…) liên kết lại, hỗ trợ nhau sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Trên địa bàn TP Hà Nội đã hình thành được trên 20 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm đã thu hút gần 3.000 hộ chăn nuôi, mang lại hiệu quả cao như: Về chuỗi tiêu thụ sữa có Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP), Công ty CP Sữa Ba Vì; Chuỗi liên kết trứng gà sạch mang thương hiệu “Tiên Viên” của anh Đặng Đình Tiên (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ); Trong chăn nuôi heo, trang trại Bảo Châu của ông Nguyễn Đại Thắng (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) hình thành chuỗi liên kết với đặc thù riêng là chuỗi liên kết heo sinh học. Nhờ tham gia vào chuỗi liên kết thu nhập của người lao động thủ đô đã tăng lên với mức 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng (với hộ chăn nuôi gà) và 60 - 220 triệu đồng/năm với hộ chăn nuôi heo. Tại TP Hồ Chí Minh, đã hình thành HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (có 8/14 trang trại thành viên HTX được chứng nhận VietGAP); xây dựng 2 vùng GAP và được Tổ chức độc lập Vietcert chứng nhận cho 646 mô hình chăn nuôi đạt tiêu chuẩn GAP; nâng cấp 22 chợ thực phẩm tươi sống và hỗ trợ thiết bị cho 9 lò mổ trong thực hiện dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap).
Có thể nói, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi là hoàn toàn khả thi, mang lại lợi nhuận cho cả người chăn nuôi và các doanh nghiệp tham gia chuỗi. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi liên lết sản xuất chăn nuôi là yêu cầu cấp thiết hiện nay, nhất là sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Việc xây dựng chuỗi liên kết ở nước ta nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn do chăn nuôi nước ta chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán. Giá thức ăn, giá nguyên liệu có nhiều biến động, con giống kém chất lượng. Nhận thức về nhãn hiệu thương hiệu của người tiêu dùng chưa cao, chưa tạo thói quen cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ động vật và sản phẩm động vật. Thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định. Thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, gặp nhiều khó khăn trong xử lý chất thải, dịch bệnh, tình trạng giết mổ thủ công vẫn còn tràn lan, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Các chế tài ràng buộc còn lỏng lẻo, quy mô hẹp, mới dừng ở mức độ mô hình. Quy mô chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, ý thức hợp tác chia sẻ lợi ích, hay rủi ro chưa cao. Giết mổ thủ công, chưa đảm bảo VSATTP vẫn chiếm ưu thế khiến chất lượng sản phẩm trở nên đáng lo ngại. Đặc biệt, chăn nuôi an toàn có nguồn gốc đang phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không xuất xứ tràn lan trên thị trường. Ngoài ra, việc tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian đẩy giá bán sản phẩm lên cao, trong khi việc khai thác thị trường trong nước và quốc tế còn yếu, nhất là thị trường xuất khẩu.
Để phát triển chăn nuôi một cách bền vững theo chuỗi giá trị, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
- Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm gia súc gia cầm từ các cơ sở có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng;
- Tạo điều kiện để các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, giết mổ tiêu thụ sản phẩm gia súc gia cầm trực tiếp ký kết với các trang trại, hộ chăn nuôi đảm bảo đầu ra. Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về HTX kiểu mới;
- Khuyến khích người chăn nuôi nhỏ phải liên kết chặt chẽ với nhau trong chuỗi, liên kết theo từng nhóm gia trại, trang trại. Các doanh nghiệp chăn nuôi phải đảm nhiệm vai trò tổ chức sản xuất, cung ứng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, đảm bảo việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm;
- Các địa phương cần xây dựng quy hoạch chi tiết cho các vùng phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp với quy hoạch nông nghiệp tổng thể. Hỗ trợ, tạo điều kiện pháp lý thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi khép kín theo chuỗi;
- Đối với các doanh nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ một phần vốn đầu tư ban đầu xây dựng trang trại và các trang thiết bị đầu vào cho các trang trại nằm trong hệ thống gia công. Cần điều chỉnh tăng giá gia công kịp thời trong những thời điểm mà giá thị trường gia tăng. Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng quản lý trang trại, kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi gia công;
- Đối với các hộ chăn nuôi tham gia chuỗi nên lựa chọn quy mô chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Cần tuân thủ đúng với những gì đã ký với hợp đồng của công ty. Thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm tới môi trường xung quanh.
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 7/2017, trên cả nước có gần 700 chuỗi nông sản, trong đó có hơn 330 chuỗi được cấp Giấy xác nhận “Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”. Còn đối với chuỗi sản phẩm chăn nuôi có tại 37 tỉnh, thành phố với số lượng khoảng 160 chuỗi; có 90 chuỗi được cấp Giấy xác nhận “Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn