Hình ảnh tại Hội thảo. (Ảnh: HH)
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát khẳng định, trong những năm qua, ngành nông nghiệp có tăng trưởng khá cao, đặc biệt trong giai đoạn 2011 - 2015. Chất lượng nông sản ngày càng được cải thiện, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng, trong đó nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng của ngành có dấu hiệu chậm lại. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm do những bất cập, rào cản về đất đai, thị trường, vốn...
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Đó là ruộng đất không tập trung, sản xuất manh mún và không đồng đều dẫn đến việc bố trí nguồn lực sản xuất không tập trung, khó khăn trong việc áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa. Bên cạnh đó là bất cập về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên sự tiếp cận của các doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn ít. Thực tế còn nhiều rào cản, khó khăn về thủ tục hành chính cũng như hiệu quả thực thi đồng bộ của các văn bản. Đồng thời thiếu chính sách bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với chi phí đầu tư lớn.
Theo đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp thành lập trung tâm, viện nghiên cứu, tham gia thực hiện các nhiệm vụ có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như các đơn vị nghiên cứu độc lập; hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp liên kết với các tổ chức công nghệ để thúc đẩy quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Sửa đổi Luật Đất đai, tháo gỡ pháp lý để tập trung ruộng đất cho sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp một cách cụ thể, thiết thực, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Công nghệ sau thu hoạch được Công ty Hasfarm (Đà Lạt, Lâm Đồng) chú trọng, quan tâm. (Ảnh: Đình Tăng)
Đến nay, cả nước có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy chứng nhận cho 26 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, 3 địa phương đã xây dựng đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Thái Nguyên, Thanh Hóa, Lâm Đồng.
Theo số liệu cập nhật đến tháng 3/2017, cả nước có 15 dự án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp đang được Nhà nước hỗ trợ với tổng số vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trên tổng số vốn đối ứng từ doanh nghiệp là 156,3/284,5 tỷ đồng.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong vòng 8 tháng (từ tháng 6/2016 – 2/2017), đã có 25 dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng số vốn hơn 21.200 tỷ đồng./.