Các tham luận, ý kiến trao đổi tại diễn đàn đã nêu bật thực trạng phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi; thuận lợi, khó khăn và giải pháp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa tại 7 tỉnh thành khu vực miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Định).
Mô hình sản xuất hoa công nghệ cao ở Đà Nẵng |
Với 115.542ha đất sản xuất nông nghiệp, tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản năm 2016 trên 12.000 tỷ đồng, Quảng Nam là địa phương đạt thành tựu khá nổi bật trong xây dựng thương hiệu nông sản gắn với chuỗi giá trị.
Đến nay, 45 đặc sản nông sản đã có thương hiệu dưới các hình thức như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, trong đó không ít đặc sản nổi tiếng như: Sâm Ngọc Linh, quế Trà My, tiêu Tiên Phước, rau Trà Quế, nước mắm Cửa Khe, gà tre Đèo Le, bê thui Cầu Mống đã khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế… Hiện tại, Sở KH-CN tỉnh Quảng Nam đang phối hợp với các sở, ban ngành liên quan xúc tiến việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tiến tới xây dựng thương hiệu cho 32 đặc sản nông sản khác.
Phát biểu tại diễn đàn, Thạc sỹ Lê Minh Thảo, Sở KH-CN Quảng Nam cho rằng: Phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi và xây dựng thương hiệu nông sản ở Quảng Nam luôn gắn với giá trị văn hóa truyền thống, tính đặc trưng từng vùng miền của địa phương. Để có những đặc sản giá trị, cư dân các vùng miền đã dày công xây dựng từ bao đời nay. Nói đúng hơn, những đặc sản này đã có thương hiệu trong đời sống cộng đồng từ rất lâu.
Đơn cử như, nói đến quế, người ta nghĩ ngay đến Trà My và ngược lại. Hoặc như, nói đến Đèo Le là nghĩ tới đặc sản gà đồi, loại chân nhỏ, chỉ khoảng 0,8 - 1kg/con, thịt thơm ngon, chỉ cần thưởng thức một lần là nhớ mãi. Thời gian gần đây việc xây dựng thương hiệu cho các nông sản rất được chú trọng và một số đặc sản quý đã có thương hiệu hàng hóa độc quyền, qua đó, tạo vị thế xứng đáng trên thị trường.
Tương tự, ở Quảng Trị, các sản phẩm như hồ tiêu, cà phê, tinh bột sắn cũng đã tạo nên thương hiệu độc quyền nhờ chất lượng và độ an toàn cao. Với diện tích 2.450ha hồ tiêu, trồng trên miền khí hậu khắt nghiệp đã tạo nên loại tiêu quả nhỏ, có vị cay nồng và hương thơm đặc trưng. Tiêu Quảng Trị tạo nên sự khác biệt so với tiêu các địa phương khác, nhờ vậy mà giá bán thường cao hơn 1,5 lần.
Dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý Quảng Trị” cho sản phẩm tiêu của địa phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký từ năm 2010. Hiện, sản phẩm này xuất khẩu sang nhiều nước ở châu Âu. Năm 2014, đặc sản tiêu Quảng Trị được vinh danh tại giải thưởng Chất lượng Quốc tế thế kỷ - hạng Vàng do Tổ chức Business Initiative Directions (Tây Ban Nha) trao tặng.
Không thật nổi tiếng như cà phê Tây Nguyên, song với gần 5.000ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 50.000 tấn, cà phê Quảng Trị được thị trường nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Hoặc như, trên diện tích khoảng 10.000ha, mỗi năm chế biến gần 20.000 tấn bột sắn thương phẩm, cây sắn Quảng Trị không chỉ là cây xóa nghèo tại các huyện miền núi mà còn cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng cao.
Ở Bình Định mô hình liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa giống, lạc đã tạo sự gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, từ đó mà lợi nhuận cao hơn hẳn so với kiểu sản xuất đơn lẻ trước đây. Ở Thừa Thiên – Huế có đặc sản thanh trà Thủy Biều, rau má Quảng Thọ, là cơ hội làm giàu cho hàng trăm nông hộ khi các sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Còn ở Đà Nẵng, liên kết theo chuỗi trong sản xuất lúa giống, nấm ăn, nấm dược liệu; chăn nuôi... không chỉ tạo nên sản phẩm có tính ổn định bền vững mà còn là cơ hội phát triển nông sản chất lượng cao, an toàn khi có các doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân.
Có thể nói, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa ở 7 tỉnh, thành khu vực miền Trung đã có bước tiến lạc quan. Tuy vậy, vẫn còn đó không ít hạn chế, trong đó nổi cộm nhất là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún khá phổ biến; nông sản chủ yếu xuất khẩu thô, mối liên kết theo chuỗi giá trị giữa các địa phương, vùng miền chưa định hình rõ nét; quản lý chất lượng, an toàn nông sản còn nhiều vướng mắc; thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cả không ổn định, việc quảng bá sản phẩm đã đăng ký sở hữu trí tuệ chưa bài bản…
Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản có sản lượng đứng trong nhóm dẫn đầu thế giới. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản cả nước đạt trên 32 tỷ USD. Tuy vậy, dù đã có chuyển biến tích cực trong khâu chế biến, xác lập thương hiệu sản phẩm, song 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp.
Đến nay vẫn còn hơn 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, không ít sản phẩm tiêu thụ trên thị trường thế giới thông qua thương hiệu của nước khác. Thực trạng này đã làm cho nông sản nước ta, dù giá trị đến mấy vẫn không có sức cạnh tranh, chịu nhiều thiệt thòi, từ đó nguồn lợi thu về từ xuất khẩu rất khiêm tốn.
Nhiều tham luận, ý kiến tại diễn đàn lần này đã chỉ ra khá nhiều giải pháp trong việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa. Trong đó, một số giải pháp được đề cập nhiều như ưu tiên chính sách tín dụng, chính sách thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp; có chính sách hợp lý về đất đai, khoa học kỹ thuật, phát triển thị trường, tạo nguồn nhân lực; xây dựng chương trình tổng thể vè phát triển thương hiệu nông sản; đẩy nhanh tiến trình tích tụ ruộng đất, chú trọng công tác nghiên cứu, khảo nghiệm chuyển giao tiến bộ KHKT, giống mới… |