Theo đó, nội dung của đề án đã chính thức công bố những mục tiêu, quan điểm và giải pháp cụ thể cho việc phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta trong giai đoạn tới. Quá trình tái cơ cấu được thực hiện theo hướng chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất bằng giá trị và lợi nhuận. Hướng tới lợi ích của nông dân Mục tiêu của đề án khẳng định, phát triển nông nghiệp bền vững là hướng tới thực hiện phúc lợi xã hội cho nông dân và người tiêu dùng. Theo đó, giải pháp tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp sẽ nhằm vào mục tiêu tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là nhóm người nghèo và cận nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa, không thuận lợi về điều kiện đất đai, sinh thái, nhóm dân tộc thiểu số và phụ nữ tham gia vào quá trình tăng trưởng nông nghiệp; đa dạng hóa sinh kế cho dân nông thôn, giải quyết tốt vấn đề an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng. Cụ thể, mục tiêu trước mắt và lâu dài, các bộ, ngành Trung ương và địa phương là thực hiện các giải pháp nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo. Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008, số xã đạt tiêu chí NTM 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020. Về chủ thể của quá trình tái cơ cấu, Nhà nước vẫn giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ; phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống; cung cấp thông tin, dịch vụ. Theo đó, nông dân và doanh nghiệp giữ vai trò trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn... Về định hướng chung, việc tái cơ cấu sẽ tập trung khai thác và tận dụng tốt nhất lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu công nghiệp công nghệ cao... Đi đôi với việc chú trọng phát triển các mặt hàng nông sản có thế mạnh cạnh tranh trên thế giới như cà phê, cao su, lúa gạo, hạt điều, thủy sản, rau quả, đồ gỗ... thì đề án sẽ tăng cường kết nối giữa sản xuất với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM Đề án cũng tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, kết nối các làng xã đến thị trấn, trung tâm tỉnh, thành phố. Trên cơ sở chương trình xây dựng NTM, đề án cũng vạch ra chiến lược phát triển các khu đô thị nhỏ, các cụm dân cư với cách thức tổ chức cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại. Tại Đắk Nông, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn đã đạt được những kết quả thiết thực. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM thì Ðắk Nông là 1 trong 10 tỉnh đầu tiên của cả nước đã hoàn thành công tác lập quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới. Trong đó, toàn tỉnh đã có 61/61 xã đã phê duyệt quy hoạch chung về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do tính đặc thù của tỉnh mền núi quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về các tiêu chí về thiết chế văn hóa, môi trường, giao thông nông thôn, y tế, giáo dục… Do đó, để đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Đề án 899 cũng đã định hướng cho các địa phương tăng cường chính sách hỗ trợ, đầu tư tập trung và đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề... theo các nghề trọng điểm đã được quy hoạch đối với các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề; mở rộng các hình thức đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao các kỹ thuật và quy trình sản xuất mới cho các hộ nông dân, nhân rộng các mô hình tốt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho các làng nghề, các vùng sản xuất chuyên canh, tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn; khôi phục niềm tin của người dân vào chất lượng các dịch vụ y tế tuyến cơ sở bằng các kết quả thiết thực; bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa, chuyển đổi các làng nghề có điều kiện thành các điểm du lịch, kết nối các tuyến du lịch trong vùng và giữa các vùng lân cận… Ngoài ra, các địa phương cũng cần có phương án khắc phục, xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải, chất thải do hoạt động trồng trọt, chăn nuôi ở khu vực nông thôn gây ra. Qua đó, hoạt động này sẽ làm thay đổi đời sống sinh hoạt, nâng cao các giá trị vật chất, tinh thần của người dân, góp phần tăng cường đảm bảo an ninh trật tự và hệ thống chính trị-xã hội tại địa phương.
Theo Baodaknong.org.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn