Tái cơ cấu ngành nông nghiệp không thể dựa vào hộ nhỏ lẻ!
Hạt nhân liên kết “4 nhà”
Phát biểu trước hơn 100 nhà khoa học hoạt động trong ngành nông nghiệp tại Hội nghị các nhà khoa học đóng góp ý kiến về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Để chuyển sang nền sản xuất tập trung, theo chuỗi giá trị hàng hóa không còn con đường nào khác là tập trung vào khoa học công nghệ.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp đánh giá, các cán bộ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã dày công nghiên cứu, chọn, tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi, các chế phẩm, các quy trình công nghệ mới, máy móc, công cụ, giải pháp mới… và ứng dụng chuyển giao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Bộ trưởng Cường nói các nhà khoa học, các viện, trường sẽ có vai trò quyết định, đặc biệt là hạt nhân trong liên kết “4 nhà”. “Muốn đưa nhanh những ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cần tiếp cận phương thức mới và đó là mối liên kết chặt chẽ. Các nhà khoa học không chỉ là khối nhà nước mà cần tận dụng nguồn lực lớn từ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác cùng vào cuộc. Từ đó mới tạo nên trào lưu khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp”- Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, sau 3 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành, đến nay các nhà khoa học đã tạo ra được 149 giống cây trồng vật nuôi mới, 65 quy trình công nghệ, 35 tiến bộ kỹ thuật cùng với nhiều giải pháp trong các lĩnh vực, kịp thời ứng dụng chuyển giao vào sản xuất và được thực tiễn sản xuất tiếp nhận.
Đừng “trả bài đút ngăn kéo”
Theo tìm hiểu của PLVN, trong 3 năm (2013-2015), mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường gây ra nhưng sản xuất tăng trưởng với tốc độ khá cao (tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm). Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013-2016 đạt 120,7 tỷ USD, trung bình mỗi năm tăng 1,0 tỷ USD/năm, riêng năm 2016 ước đạt 32,1 tỷ USD.
Năm 2017 được đánh giá là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2016 – 2020 trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm nhiều so với năm 2016.
Tuy vậy, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả 2 nhiệm vụ lớn là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập; trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt 2,5-2,8%; tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành đạt 3,0 - 3,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 32,0 - 32,5 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%; tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới đạt 28-30%.
Để đạt được các mục tiêu này, Bộ trưởng Cường cho rằng, cần tranh thủ nguồn lực quốc tế kể cả về năng lực khoa học, tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, xây dựng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng hàng hóa, theo hướng hội nhập.
Theo GS.TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, việc nghiên cứu khoa học chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực Nhà nước. Việc ứng dụng khoa học vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập, thể hiện ở chỗ nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia. Phát triển khoa học công nghệ phải bao gồm: nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, đề tài và tổ chức.
Để tái cơ cấu nông nghiệp thành công gắn với xây dựng nông thôn mới, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, quan trọng nhất của nông nghiệp hiện nay là phải đánh giá được các rủi ro. Theo ông Hồng, giữa nông nghiệp và thủy lợi có mối quan hệ hữu cơ; mỗi dự án nông nghiệp nên có dự án thủy lợi đi kèm. Trong tái cơ cấu nông nghiệp nên chọn vùng phát triển bền vững, ít thiên tai để đầu tư thật lớn, coi trọng thủy lợi xương sống phát triển nông nghiệp.
Là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, GS.TS Trần Duy Quý than phiền rằng, trong những năm qua, các nguồn lực tập trung vào các chương trình trọng điểm và thành công nhất định. Tuy nhiên, thời gian tới cần thay đổi cách thức đặt hàng để tránh lợi ích nhóm, cơ chế xin – cho.
“Thử khoán gọn cho các nhà khoa học tạo ra giống lúa đảm bảo yêu cầu thì cấp tiền từ A đến Z, nếu không đạt chất lượng trả lại tiền. Như vậy tránh hiện tượng trả bài đút ngăn kéo”, ông Quý gợi ý.
Theo Gia Khánh/baophapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn