Mô hình trồng lúa xen nuôi tôm tại Thạnh Phú đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đ.C
Mục tiêu chung của Đề án nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn; phấn đấu đến cuối năm 2015 thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 27 triệu đồng/năm và đạt 42 triệu đồng/năm vào năm 2020. Về xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2015, xã Đại Điền đạt chuẩn xã NTM, 6 xã đạt 10 tiêu chí NTM trở lên (Quới Điền, Mỹ Hưng, An Nhơn, Tân Phong, Phú Khánh, An Thuận); đến năm 2020, các xã còn lại cơ bản đạt xã NTM. Đề án từng bước thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị tăng thêm của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa theo cơ chế thị trường; phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 6%-7% (giai đoạn 2011-2015), đạt 7%-8% (giai đoạn 2016-2020). Tăng cường quản lý hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, hạn chế các tác động đối với môi trường và phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Nhiệm vụ tái cơ cấu của Đề án gồm nhiều lĩnh vực: thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn, quản lý - bảo vệ tài nguyên môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Huyện tập trung cho 3 nhóm đối tượng: thủy sản (nuôi và khai thác), cây (lúa, dừa, mía), con (bò, heo, gia cầm); thực hiện các mô hình liên kết sản xuất, tổ hợp tác, liên kết “4 nhà” tạo đầu ra cho sản phẩm, kêu gọi đầu tư… Đối với lĩnh vực nuôi thủy sản, thực hiện mục tiêu: ổn định và khai thác có hiệu quả vùng nuôi theo hướng an toàn, bền vững, chú ý đến tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn sâu và kéo dài. Đến năm 2015, ổn định diện tích nuôi thủy sản khoảng 17.444ha, trong đó nuôi chuyên 11.364ha, nuôi xen 6.080ha, thâm canh và bán thâm canh 1.800ha; tổng sản lượng nuôi 25.500 tấn. Đến năm 2020, tổng diện tích nuôi 18.060ha; trong đó nuôi chuyên 12.980ha, nuôi xen 5.080ha, nuôi thâm canh, bán thâm canh 3.500ha và một số đối tượng nuôi khác như: nghêu, sò, cua, tôm càng xanh, cá các loại; tổng sản lượng nuôi đạt 32.000 tấn. Mặt khác, huyện cũng tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi đểÕkhai thác cơ hội thị trường; xây dựng và nhân rộng mô hình nông ngư kết hợp trên đất lúa kém hiệu quả, khuyến khích mở rộng diện tích nuôi công nghiệp, bán công nghiệp; áp dụng công nghệ cao và quy trình thực hành nuôi tốt (GAP). Đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, đến năm 2015, tổng số tàu thuyền khai thác khoảng 640 chiếc; trong đó, có 470 tàu khai thác gần bờ, 30 tàu khai thác xa bờ, 140 chiếc khai thác nội địa. Sản lượng đánh bắt giữ ổn định (khoảng 10.000 tấn). Đến năm 2020, giữ vững tổng số tàu trên địa bàn huyện 640 chiếc và tăng công suất tàu khai thác, nâng số tàu khai thác xa bờ lên 100 chiếc. Tổng sản lượng khai thác 13.000 tấn. Cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản theo hướng giảm dần nghề khai thác gần bờ (tàu công suất nhỏ, nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản), chuyển sang khai thác bằng tàu công suất lớn hoạt động xa bờ. Tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các công trình: Cảng cá Thạnh Phú, khu neo đậu tránh bão, cụm công nghiệp nghề cá, các làng nghề thủy sản… Trên lĩnh vực trồng trọt - chăn nuôi, huyện tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng trồng các loại cây giống, con giống có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm từng vùng sinh thái ở từng địa phương; phát triển mô hình trồng xen, nuôi xen nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất (thích ứng với biến đổi của môi trường); tăng cường công tác tập huấn, hội thảo… nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP và các tiêu chuẩn khác. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, huyện thực hiện tốt công tác chăm sóc, quản lý chặt chẽ diện tích rừng hiện có. Tiếp tục trồng mới, nâng diện tích đất có rừng của huyện đến năm 2015 đạt khoảng 2.100ha và đến năm 2020 là 2.370ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất ở các xã: Thạnh Phong, Thạnh Hải và An Điền. Đối với lĩnh vực phát triển ngành nghề nông thôn, huyện tiếp tục củng cố và phát triển các làng nghề truyền thống hiện có: làng nghề bó chổi (Mỹ An), làng nghề sản xuất bàn, lu chứa nước (Hòa Lợi) theo hướng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, tăng cường quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ; tiếp tục đầu tư phát triển các làng nghề thủy sản, làng nghề thủ công mỹ nghệ từ cây dừa, đan dây nhựa,... đồng thời gắn phát triển ngành nghề nông thôn với phát triển du lịch. Huyện cũng tập trung cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để thực hiện Đề án, UBND huyện Thạnh Phú đã có kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể địa phương. Huyện đưa ra các giải pháp: tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; quy hoạch; khoa học công nghiệp; giống; quản lý và tổ chức sản xuất; thị trường tiêu thụ; vốn và cơ chế chính sách; xây dựng kết cấu hạ tầng và dự án phục vụ kế hoạch thực hiện Đề án; cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
| |
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn