Để đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu sản phẩm lúa gạo, Bộ NNPTNT đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam. Theo dự thảo Đề án, lúa gạo được định hướng là ngành có lợi thế và chiến lược trong trồng trọt của Việt Nam. Thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo, là nước xuất khẩu lúa gạo lớn trên thế giới. Từ chỗ giá xuất khẩu gạo chỉ đạt trung bình 430-450 USD/tấn, mục tiêu cụ thể của đề án đặt ra là đến năm 2020, giá xuất khẩu đạt bình quân 600 USD/tấn nhóm gạo trắng, hạt dài và 800 USD/tấn nhóm gạo thơm, đặc sản. Giá trị sản lượng trên 1ha đất trồng lúa đạt bình quân 120 triệu đồng.
Thực tế, suốt từ năm 2013 đến nay, công tác tái cơ cấu ngành lúa gạo cũng đã được Bộ NNPTNT khẩn trương triển khai và đạt được những kết quả nhất định. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2013, có 13 tỉnh Nam Bộ xây dựng 369 mô hình cánh đồng mẫu lớn, tổng diện tích khoảng 120.500ha; các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đã xây dựng được 1.265 mô hình với diện tích là 35.518ha… Cũng trong năm 2013, hàng chục nghìn ha đất gieo trồng lúa đã được chuyển đổi sang trồng màu, cây ăn quả, mía, cây thuốc, trồng cỏ… có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Cụ thể như, vùng ĐBSCL đã chuyển đổi khoảng 87.310ha...
Ông Phạm Đồng Quảng- Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, để tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo ngày càng đạt hiệu quả cao, đem lại giá trị kinh tế thiết thực, thời gian tới, ngành nông nghiệp định hướng vùng ĐBSCL tập trung hướng tới thị trường xuất khẩu, sử dụng giống lúa chất lượng gạo trắng, hạt dài, các giống lúa thơm có khả năng cạnh tranh với các giống cùng nhóm trên thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng Giám đốc Công ty Tiến Nông (Thanh Hoá) cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, cái gì có thế mạnh, có thị trường thì tập trung sản xuất chứ không nhất thiết phải giữ cho được “đất lúa” với lợi nhuận không cao”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: “Tái cơ cấu ngành trồng trọt là giải pháp quan trọng trong duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Để thực hiện được điều này, cần phải thay đổi tư duy cũ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết và bền vững. Phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức và cách tiếp cận trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là phải thay đổi từ cách tiếp cận phát triển sản xuất tự cung tự cấp, từ cách tiếp cận chạy theo số lượng để có sự tăng trưởng chuyển sang nâng cao giá trị gia tăng một cách bền vững”.
Thanh Xuân
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn