Trong thông điệp năm mới 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề cao nhiệm vụ "đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới". Ông coi "đây là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế và cũng là đòi hỏi bức xúc cần phải được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ".
Để thực hiện được nhiệm vụ đó, Thủ tướng cho rằng trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, người nông dân phải được đặt vào vị trí trung tâm. Nhà nước phải có cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ vào sản xuất, quản lý nông nghiệp. Trong đó, những nền tảng cần xây dựng đầu tiên là phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất.
Mà để làm được những yêu cầu trên thì chính sách thu hút DN đầu tư vào địa bàn nông thôn, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn là những việc cần quan tâm trước nhất. Chính vì vậy, việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, vận chuyển và liên kết sản xuất lớn trong năm 2014 và các năm sau sẽ được ưu tiên hàng đầu trong các chính sách đầu tư trực tiếp cho ngành nông nghiệp.
Có lẽ cũng vì những mục đích lớn này mà mới đây, Bộ Tài chính đã có Công văn số 17211/BTC-NSNN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân cấp nguồn thu cho ngân sách cấp xã để đầu tư xây dựng các công trình tại xã.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị phấn đấu khai thác các nguồn thu trên địa bàn, nhất là các nguồn thu từ đất đai, như: tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuê mặt đất mặt nước để đầu tư các công trình tại địa phương cấp xã. Trong đó, ưu tiên cho các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng nông thôn.
Công văn 17211 nhấn mạnh, ngay cả các địa phương sản xuất lúa trọng điểm đang được hưởng chính sách hỗ trợ 400.000 đồng/ha theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ thì "kinh phí thực hiện chính sách này (cũng) tập trung đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn". Trong đó ưu tiên đầu tư thủy lợi, giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, hạ tầng làng nghề, hạ tầng nuôi trồng thủy sản và các nội dung đầu tư khác liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Như vậy, có thể thấy rằng trong năm mới 2014, rõ ràng những nội dung làm tiền đề cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã bắt đầu được Chính phủ và các bộ, ngành triển khai cụ thể và đồng loạt. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương về cả pháp lý và tài chính đều đang "mở" thêm những con đường đến với nông nghiệp, nông thôn.
Năm mới 2014, Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ bắt đầu có hiệu lực. Những nút thắt về vốn và nhân lực cho HTX nông nghiệp sẽ được quan tâm tháo gỡ. Cũng trong năm nay, Chương trình Hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2013-2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với kinh phí hỗ trợ gần 9.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân. Thêm vào đó, ngay từ đầu năm, các địa phương sẽ đồng loạt triển khai thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản.
Có thể nói rằng, cùng một lúc, trong năm 2014 hàng loạt các chính sách ưu đãi cho nông nghiệp sẽ đi vào thực hiện. Với những "lối mở" đồng loạt này, hy vọng trong thời gian tới, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam sẽ gặt hái những thành tựu vượt bậc, giải quyết được tình trạng manh mún nhỏ lẻ, chấm dứt "điệp khúc" được mùa mất giá, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.
Theo TBNH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn