Hai điểm nghẽn của ngành nông nghiệp
Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, một trong những địa phương đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả - cho rằng, 2 điểm nghẽn của ngành nông nghiệp hiện nay là chi phí sản xuất cao, chất lượng nông sản còn kém. Do đó, phải tạo kinh tế hợp tác đủ mạnh mới giảm được chi phí sản xuất. Hợp tác xã hoạt động đúng bản chất và mang lại lợi ích của thành viên thì sẽ nâng cao chất lượng nông sản và tiếp cận được nông nghiệp 4.0.
Chế biến dứa phục vụ xuất khẩu. Ảnh: I.T
Coi khó khăn của DN là khó khăn của ngành Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, một trong những việc quan trọng của tái cơ cấu là phải hoàn thiện được chuỗi sản xuất khép kín từ phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, công tác thị trường. Trong chuỗi này, DN là hạt nhân quan trọng, liên kết thị trường với các hợp tác xã và với nông dân. Vì vậy, những chính sách phối hợp với DN được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung cải cách hành chính để DN yên tâm đầu tư, coi khó khăn của DN là khó khăn của ngành, của địa phương, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với các bộ và địa phương để tháo gỡ. |
Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam - cho rằng, năm 2018, những thách thức về biến đổi khí hậu, cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe đòi hỏi ngành phải nỗ lực thay đổi tư duy, tạo đột phá trong sản xuất.
Theo đó, nông nghiệp không chỉ tập trung sản xuất toàn diện mà cần chuyển sang phát triển những sản phẩm có lợi thế, với vai trò dẫn dắt của DN.
“Trước đây chúng ta chủ yếu dựa vào kinh tế hộ, nhưng trong giai đoạn tới, DN phải dẫn dắt nền nông nghiệp. Cần định hình rõ trong bối cảnh hiện nay phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, các tiến bộ của thế giới, sản xuất không thể manh mún và phân tán. Vì vậy, phải tạo môi trường thuận lợi để DN có thể dẫn dắt được nông nghiệp” - ông Hùng nhấn mạnh.
Xây dựng nhiều nhà máy chế biến rau quả
Theo các chuyên gia, mục tiêu năm 2018 ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng từ 2,8 - 3%, kim ngạch xuất khẩu từ 37 - 38 tỷ USD… có thể đạt được nếu thực hiện quyết liệt việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó chú trọng phát triển nhóm sản phẩm lợi thế, qua đó hình thành các vùng nguyên liệu tập trung.
Ông Đinh Cao Khuê - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đề xuất, việc đầu tư vào nông nghiệp phải theo liên kết vùng, với DN không chỉ dừng lại ở một nhà máy mấy trăm tỷ đồng và phải hình thành ở nhiều địa phương để tạo liên kết về vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, nhà máy chế biến không chỉ phát triển một sản phẩm mà tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế của từng địa phương, tuy nhiên các địa phương cần tạo điều kiện cho DN về quỹ đất để đầu tư.
Ông Khuê cho biết, trong năm 2018, công ty sẽ khởi công nhà máy chế biến rau quả lớn tại Gia Lai. “Chúng ta phải thay đổi cách quy hoạch theo hướng quy hoạch liên vùng. Theo đó, chúng tôi xây dựng nhà máy chế biến rau quả ở Gia Lai không có nghĩa là chỉ phục vụ nguồn nguyên liệu ở đây, mà còn cho cả vùng Tây Nguyên”.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018 ngành tiếp tục tập trung cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường kết nối chặt chẽ với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu; coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển DN, kinh tế hợp tác.
Về cơ cấu lại ngành, các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm cấp tỉnh, thành phố và nhóm đặc sản làng, xã để có giải pháp chỉ đạo cụ thể; đồng thời, phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả…
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn