Tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL cần phải chú trọng đến yếu tố phân tích, dự báo thị trường. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh
Góp ý tại cuộc họp bàn về “Quy chế liên kết vùng ĐBSCL trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái” được tổ chức hôm nay (10-6), tại Cần Thơ, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho rằng vấn đề cốt lõi của tình trạng nông sản ĐBSCL (chủ lực là lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái) rơi vào cảnh được mùa, rớt giá là do tiêu thụ chứ không phải do sản xuất.
“Do đó, trong đề án liên kết vùng, tôi đề nghị nên chuyển trọng tâm từ sản xuất sang tiêu thụ”, ông Dũng đề xuất.
Theo ông Dũng, việc thành lập ban điều phối chung trong vấn đề liên kết vùng ĐBSCL là cần thiết nhưng “quan trọng là ban điều phối phải chú trọng hơn nữa về phía thị trường, tức phải có những chuyên gia phân tích, dự báo nhu cầu thị trường chuyên sâu hơn nữa”, ông Dũng nói.
Theo một số đại biểu tham dự cuộc họp, trên cơ sở xác định nhu cầu của thị trường về số lượng, chủng loại, tiêu chuẩn… thì mới có sự điều tiết sản xuất cho phù hợp, gắn với nhu cầu thị trường, nhưng muốn điều tiết được, nhất thiết phải có liên kết vùng.
“Dù mình đã áp dụng thực hiện liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, mà cụ thể là đối với con cá tra, nhiều năm qua những vì sao vẫn phải chịu cảnh “treo ao”, nông dân phá sản…, đó là do thiếu liên kết vùng”, ông Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ) cho biết.
Thực tế, những hệ lụy tồn tại của ngành cá tra hiện nay (xuất khẩu phá giá, ép giá nông dân, người nuôi phá sản, treo ao…) là kết quả của việc chạy đua theo sản lượng, tỉnh A sản xuất theo ý của tỉnh A, tỉnh B sản xuất theo tỉnh B và tỉnh C sản xuất theo tỉnh C… Tuy nhiên, khi thực hiện liên kết vùng, tức tỉnh A, B hoặc C muốn nuôi với sản lượng bao nhiêu phải chịu sự điều phối chung của vùng thông qua ban điều phối thì chưa thực hiện được.
Đồng quan điểm trên, ông Trịnh Văn Bé, Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, cho rằng liên kết vùng là cơ hội để tổ chức lại sản xuất, tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của ĐBSCL phát triển bền vững. “Tuy nhiên, liên kết không thể chỉ có liên kết giữa các địa phương mà cần phải có cả doanh nghiệp cùng tham gia kết hợp với đào tạo nhân lực phục vụ…, thì đề án sẽ được phát huy hiệu quả tối đa”, ông Bé cho biết.
Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI), cho rằng Chính phủ cần tăng cường hơn nữa hỗ trợ vốn cho nông nghiệp để tạo đột phá mạnh mẽ cho ngành. “Đề tài nghiên cứu giống cây ăn quả quả phải mất 15 năm mới xong mà vốn hỗ trợ chỉ mới 5 năm đã cắt luôn thì sao chúng tôi chủ động được”, ông Châu dẫn chứng.
Trung Chánh
Theo thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn