Ảnh minh họa |
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đưa ra quan điểm này tại hội thảo "Giúp nông dân làm kinh tế nông nghiệp" vừa được tổ chức cuối tuần qua.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn – đơn vị cùng tham gia tổ chức hội thảo – dẫn lời ông Hoan cho rằng, để chuyển đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "làm kinh tế nông nghiệp" là một tiến trình lâu dài, cần có nhiều "ngọn đuốc" cháy sáng, khơi dậy tinh thần dũng cảm, làm nóng lên bầu nhiệt huyết đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của người nông dân và ngay chính trong hệ thống chính trị.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết sau hội thảo hôm nay, Đồng Tháp sẽ tiếp tục nghiên cứu các mô hình, dự án liên kết, các giải pháp tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi ngành hàng đã được trình bày, từ đó, tỉnh sẽ ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể.
Các hoạt động tập trung vào hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất, gia tăng tính liên kết, hợp tác có hiệu quả với các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị ngành hàng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, tạo động lực mới cho nông nghiệp địa phương phát triển bền vững, hiệu quả.
Doanh nghiệp nông nghiệp không có thửa ruộng nào?
Cung tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, cũng là lãnh đạo một doanh nghiệp, đưa ra một ý tưởng mới mẻ: phát triển một doanh nghiệp sản xuất lúa gạo nhưng doanh nghiệp này lại không sở hữu một thửa ruộng nào.
Ông Mỹ chia sẻ câu chuyện những mô hình kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ của thế giới như Uber, Alibaba đang tác động đến hoạt động kinh doanh không chỉ của ngành nông nghiệp mà là tất cả mọi ngành kinh tế, dịch vụ trong nước, đặc biệt khi Việt Nam đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
"Chúng ta liệu có thể xây dựng công ty sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới, nhưng không sở hữu một thửa ruộng nào được hay không?", ông Mỹ cũng đặt vấn đề có cần phải thay đổi chính sách, quy định có liên quan đến vấn đề đất đai hay không. "Tôi nghĩ là không cần", ông nhấn mạnh vào nói rằng ở thế giới công nghệ 4.0 này hoàn toàn có thể thực hiện được điều đó.
Qua sự nghiên cứu và ghi nhận của bản thân, ông Mỹ cho rằng chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay của Việt Nam đang có nhiều điểm hạn chế: khâu gieo trồng sử dụng quá nhiều cây giống, phân bón giả, kém chất lượng; khâu phân phối vẫn còn tình trạng "cò mồi" thu gom hàng, thương lái ép giá; khâu chế biến chưa có sự quan tâm và đầu tư trang thiết bị công nghệ cao nên khó kiểm soát chất lượng đầu vào và đầu ra hạt gạo; khâu thương mại thì bị cạnh tranh bởi gạo Thái Lan, Campuchia; khâu xuất khẩu vẫn còn tình trạng độc quyền bởi các doanh nghiệp nhà nước; khâu tiêu thụ thì sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc và người tiêu dùng vẫn sống trong nỗi lo lắng gạo tồn dư hóa chất.
Chính vì vậy, theo ông Mỹ, không thể thay đổi một chuỗi giá trị lúa gạo mà chỉ dựa vào người nông dân, mà phải thay đổi dựa vào những tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, biết cách ứng dụng giải pháp công nghệ cao, biết cách liên kết những điểm mạnh của các bên trong chuỗi cung ứng dựa trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Từ quan điểm đó, ông Mỹ cho biết, trong 2 năm qua doanh nghiệp của ông đã phát triển nhiều giải pháp, ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ để canh tác lúa như máy bón phân thông minh, máy cấy vùi, máy phun phân bón vi sinh, máy sạ lúa vùi phân và phun vi sinh hay phao quan trắc môi trường dựa trên nền tảng kết nối Internet, và đã đạt được những kết quả khả quan.
Cụ thể, đối với việc bón phân chỉ cần bón 1 lần/vụ và lượng phân giảm hơn 50% so với cách truyền thống; nước canh tác giảm hơn 30%; lượng hóa chất bảo vệ thực vật giảm hơn 50%, công lao động, khí thải nhà kính cũng giảm. "Nhờ đó, giúp giúp giảm tác động của ô nhiễm môi trường", ông nói.
Không dừng lại ở đó, theo ông Mỹ, doanh thu và thu nhập của người dân ổn định hơn. Đặc biệt, người dân canh tác không cần ra đồng vì tất cả đều được kết nối và điều khiển qua thiết bị thông minh.
Khi Thái Lan bán chạy... phở Việt
Trong khi đó, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, nhắc đến câu chuyện sản phẩm phở Việt Nam (thực phẩm ăn liền) do Thái Lan sản xuất đang bán rất chạy tại thị trường Mỹ.
Khi bà Hạnh đi thăm nhà máy CP ở Thái Lan, bà được biết năng suất của nhà máy là 2 triệu gói phở Việt Nam/ngày. Không chỉ dừng lại ở phở, một số nhà sản xuất Thái Lan cũng đang đưa đến Mỹ các sản phẩm gốc Việt khác như bún bò Huế, mắm bà giáo Khỏe...
Ở quan điểm cá nhân, bà Hạnh cho rằng thực tế này đưa ra bài học cho Việt Nam phải xem xét, đó là các doanh nghiệp Thái Lan đang biết cách tổng hợp các lợi thế mà doanh nghiệp Việt chưa làm được: mạng lưới phân phối, thương hiệu, "bắt mạch" được thị trường, ứng dụng giải pháp công nghệ cao, tuân thủ và đảm bảo các tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm...
Bà Hạnh đề xuất các công thức là CERT (liên quan đến tiêu chuẩn) và BIZLAD (nghiên cứu khoa học và thực địa), cũng là phương thức mà Israel đang tiến hành, VAD tức giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Theo bà Hạnh, thế giới đang thay đổi xu hướng tiêu dùng từ 2N (ăn no, ăn ngon) thành 2S (ăn tốt cho sức khỏe và sắc đẹp) và chú ý đến tính an toàn, thiên nhiên và truyền thống (như bữa cơm do mẹ nấu, bữa ăn truyền thống); coi trọng nguồn gốc thực vật và theo xu hướng ăn chay; thực phẩm gắn với yếu tố truyền thống và bản địa; những phương thức chế biến thực phẩm mới như lên men và sấy; xu hướng ứng dụng công nghệ quét mã vạch (QR Code) để biết tất cả thông tin về một sản phẩm nông nghiệp....
Bà Hạnh đề nghị Đồng Tháp nhanh chóng thành lập 2 nhóm đặc nhiệm, một chuyên về nghiên cứu xu hướng thị trường và một chuyên về thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương trong nước và quốc tế. Điều này cũng góp phần giúp Việt Nam tiếp cận những xu hướng nông nghiệp mới nhất của thế giới.
Theo Thanh Hằng/baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn