Ngày 25/8, tại Bộ Nôn nghiệp và Phát triển nông thôn, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, tại hội nghị về tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều đại biểu lo lắng trước tiến độ và chất lượng của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Còn bộc lộ nhiều hạn chế Ba năm qua, mặc dù SXNN gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường nhưng SX tăng trưởng với tốc độ khá cao. Tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm, giá trị SX toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, giai đoạn 2013 - 2015 đạt 88,3 tỷ USD, trung bình đạt gần 29,5 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị SX ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 64% năm 2012 và 67,8% năm 2014. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là chưa tạo được chuyển biến rõ rệt, tăng trưởng của ngành chưa vững chắc (quý I/2016 tăng trưởng âm). Việc triển khai chưa được đồng bộ, đồng đều, còn nhiều địa phương triển khai chậm. Đáng chú ý, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình CNH - HĐH nông nghiệp. Đặc biệt, năng suất, chất lượng một số loại nông sản còn thấp, chi phí SX cao, khả năng cạnh tranh thấp. Việc đảm bảo VSATTP còn nhiều bất cập. Tình trạng buôn bán vật tư giả, kém chất lượng, lạm dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong SX vẫn diễn ra phức tạp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng, cần xây dựng chuỗi giá trị SX chiến lược. Huy động tập đoàn đa quốc gia để tranh thủ tài quản trị, tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm thương trường của họ vào đầu tư cho SXNN. Lựa chọn sản phẩm chủ lực, hình thành vùng chuyên canh tập trung, thu hút kinh tế hợp tác để tạo chuỗi SX. Nhìn nhận các vướng mắc của ngành, TS Đặng Kim Sơn cho rằng đã đến lúc phải có đột phá cho chính sách đất đai. Theo ông Sơn, đất cho nông nghiệp phải uyển chuyển với thị trường, không nên cứng nhắc cho đất lúa. Cùng với đó phải coi trọng KHCN. Tái cơ cấu nông nghiệp mà để chảy máu chất xám, nhà khoa học đứng ngoài cuộc, tiến bộ KHKT không áp dụng thì bất thành.
Vướng vào các loại quy hoạch Đồng tình với các kiến nghị đề xuất của TS. Sơn, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch TƯ Hội Nông dân VN cho rằng, chúng ta phải thẳng thắn xem lại chính sách đất đai. “Đặt ra 3,8 triệu ha đất lúa, tự hào xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới mà đời sống nông dân vẫn cứ khó khăn là sao?”, ông Môn nêu câu hỏi.
Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đề nghị xem lại chính sách đất đai đối với nông nghiệp Chủ tịch TƯ Hội Nông dân nêu dẫn chứng tại Hà Nam người ta trồng ổi giá trị thu nhập gấp 5 lần trồng lúa. Tiếc thay vùng đó đất đã quy hoạch SX lúa nên sau 5 năm phải chặt ổi. Tương tự ở Hưng Yên trồng nhãn, dưa hấu cũng gấp nhiều lần so với làm lúa. Cũng theo ông Môn tái cơ cấu nông nghiệp của chúng ta kết quả chưa được như mong muốn, một phần công tác tuyên truyền chưa tích cực. Đặc biệt là cơ chế chính sách chưa cụ thể, chưa huy động được kinh tế vĩ mô, DN vào đầu tư. Tôi thấy mới có 1% DN đầu tư nhưng trong đó nhiều DN cũng ốm yếu lắm. Điều ông Môn lo lắng chính là cơ cấu vốn trong nông nghiệp bị mất cân đối. Chúng ta chủ yếu đầu tư cho hạ tầng (chiếm 70 - 80%), trong khi đầu tư cho SX thì ít lắm. “Nếu cứ đà này tiến độ tái cơ cấu sẽ còn chậm và khó thành công”, ông Môn sốt ruột. Theo ông Môn, Bộ NN-PTNT và các địa phương không nên đưa ra quá nhiều giải pháp hàng ngang như hiện nay sẽ không đủ nguồn lực cho đầu tư. Trước mắt phải xem lại quy hoạch. Chúng ta đang bị vướng vào quy hoạch, cả quy hoạch tổng thể đến quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, sản phẩm, thậm chí là quy hoạch chồng chéo lên nhau. Làm kiểu đó thì khó tránh khỏi sản phẩm dư thừa cùng lúc, ùn ứ ở cửa khẩu. Ở Campuchia họ rất chú trọng đến quy hoạch và quy hoạch đến đâu sát đến đó, không có chuyện ngành này, địa phương kia phá vỡ quy hoạch của nhau. Đến cây lúa họ cũng có một quy hoạch rất bài bản. Đâu là vùng SX lúa cho tiêu thụ nội địa, đâu là lúa cho hàng hóa xuất khẩu. Chính vì thế, chất lượng gạo và giá gạo của Campuchia hiện cao hơn Việt Nam. Về một số kiến nghị của Bộ NN-PTNT, tại hội nghị lãnh đạo các Bộ Tài chính, KHCN ghi nhận và giải trình làm rõ thêm, đồng thời đề nghị Bộ NN-PTNT có văn bản đề xuất từng nhóm vấn đề gửi đến các Bộ để được xem xét trình Thủ tướng quyết định.
Thiết kế khung chính sách đáp ứng ba trụ cột Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhắc lại 3 thách thức lớn mà ngành Nông nghiệp đang đối mặt: Quy mô SX nhỏ lẽ (bình quân 0,3 ha/hộ nông dân); BĐKH ngày càng khốc liệt; hội nhập sâu rộng trước những biến động khó lường của thế giới. Về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh các hạn chế đang là lực cản: Năng lực SX cạnh tranh chưa cao; chuỗi giá trị còn ngắn. Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu bấp bênh. Có những thị trường bị đe dọa, ngay cả thủy sản sáng sủa thế nhưng vẫn bấp bênh.
Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật và thực hành SX theo tiêu chuẩn VietGAP, cam Cao Phong trở thành thương hiệu được nhiều người ưa chuộng (Ảnh: Minh Phúc) Tổ chức SX so với yêu cầu chưa đáp ứng. Chỉ có 1% DN đầu tư vào nông nghiệp nhưng chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Vấn đề VSATTP đang là mối lo thường ngày của chúng ta. Từ thực trạng trên đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị phải thiết kế khung chính sách nhằm đáp ứng ba trụ cột để hối thúc tái cơ cấu chuyển động mạnh mẽ. Ba trụ cột đó là: Thứ nhất, chọn 10 sản phẩm quốc gia có lợi thế để chiếm lĩnh thị trường bền vững. Thứ hai, hình thành sản phẩm cấp tỉnh đặc thù như vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên có tính đến thị trường nội địa và xuất khẩu. Sản phẩm địa phương nhưng xây dựng thị trường tại chỗ, xuất bán sang địa phương khác và xuất khẩu. Hình thành mỗi làng một sản phẩm như Quảng Ninh. Thứ ba, tổ chức SX thì coi DN đóng vai trò trụ cột. Sản phẩm quốc gia thì chính sách tập trung ưu tiên cho DN lớn. Còn sản phẩm địa phương thì chính sách tập trung cho DN vừa và nhỏ. Khuyến khích quy mô hộ liên kết HTX để tạo chuỗi SX.
Đầu tư cho nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm Phát biểu chỉ đạo hội nghị tái cơ cấu nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Đa số người dân nghèo sống ở vùng nông thôn cho nên phải tập trung tái cơ cấu lại SXNN để nâng cao đời sống cho nhân dân. “Tái cơ cấu nông nghiệp là lĩnh vực khó, vướng mắc nhiều thứ cho nên không thể vội vàng, cần có thời gian để làm từng bước vững chắc, tránh làm hình thức, phong trào”, Phó Thủ tướng lưu ý. Phó Thủ tướng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với thị trường, gắn với cầu của thị trường cả trước mắt và lâu dài. Phó Thủ tướng lưu ý, đề án tái cơ cấu phải gắn với ứng phó BĐKH để có các kịch bản vừa sống chung, vừa đối phó. Vấn đề đòi hỏi là chúng ta phải chủ động và có tài dự báo trước các thách thức. Một vấn đề khác, Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý đó là tái cơ cấu gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Qua hạn hán, xâm nhập mặn vừa rồi cho thấy việc trồng rừng, bảo vệ nguồn nước ngọt là cực kỳ cấp bách. Để làm tốt các nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại quy hoạch, xem xét tổng thể, chi tiết, cụ thể để có một kế hoạch sử dụng đất, tài nguyên, đầu tư cho nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng lo lắng trước việc sử dụng tài nguyên quốc gia quá mức từ khoáng sản đến đất rừng và đặc biệt là nước sạch. Ông Thắng cho rằng, hạn mặn vừa rồi cho thấy sự khan hiếm của nước ngọt. Nếu chúng ta không có một kế hoạch sử dụng tài nguyên quốc gia thật chu đáo thì hệ lụy sẽ rất lớn. Một lo lắng khác mà Thứ trưởng Thắng cho hay, đó là trong kinh tế nông thôn chúng ta chỉ mới tập trung cho tư vấn xây dựng, thiếu tư vấn SX. Cái này phải bổ cứu ngay.