Tại Hội nghị sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng ĐBSCL diễn ra ngày hôm nay (15/3) tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo phải thực hiện ngay từ ngày hôm nay đối với chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai mua tạm trữ lúa gạo phải ngay từ bây giờ, không đợi đến khi thấp hơn giá thành sản xuất. Việc mua tạm trữ nhằm để giữ giá thị trường, qua đó kích giá và đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.
Thời gian mua tạm trữ dự kiến đến hết tháng 4 tới với việc hỗ trợ 4 tháng với lãi suất trần 7%, luôn đảm bảo người dân có lời 30%.
Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tạm trữ lúa gạo trong bối cảnh giá lúa gạo ở khu vực ĐBSCL có chiều hướng giảm.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng diện tích gieo sạ vụ đông xuân khu vực ĐBSCL năm 2013 - 2014 lên đến trên 1 triệu 600 ngàn ha (cao hơn 3.200 ha so với vụ đông xuân 2012 - 2013). Năng suất bình quân dự kiến trên 6,8 tấn/ha, có một số vùng đạt 10 tấn/ha. Đây là một vụ lúa được mùa lớn. Sản lượng thóc dự kiến đạt gần 11 triệu tấn (tăng hơn 34 ngàn tấn so với mùa vụ năm trước).
Vụ đông xuân này, toàn vùng ĐBSCL có khoảng hơn 8,5 triệu tấn thóc, tương đương 4,3 triệu tấn gạo hàng hóa cần xuất khẩu hoặc tiêu thụ sang vùng khác. Tính đến ngày 10/3 vừa qua, diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch đạt khoảng 620.000 ha, với sản lượng 3,92 triệu tấn thóc./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước là tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn; đây là chính sách nhất quán, mang tính chiến lược.
Theo đó, dành ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, tìm mọi cách hỗ trợ cho nông dân, hỗ trợ để phát triển bền vững. Đồng thời tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng cho nông thôn, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá, điện, nước sạch... Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo…
Liên quan đến sản xuất, tiêu thụ lúa gạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng nêu rõ tiềm năng lợi thế của vùng là các sản phẩm lúa gạo, tôm, cá, cây ăn quả... Do vậy, các tỉnh trong vùng tiếp tục phát huy những cách làm hay, mô hình tốt trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu, tính toán, dự báo sát khả năng tiêu thụ nông sản trên thực tế, hạn chế trình trạng được mùa rớt giá.
Giảm diện tích lúa cho năng suất lúa thấp sang trồng cây hoa màu có thị trường hoặc chuyển sang trồng đậu tương, ngô phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc.
Đặc biệt quan tâm lai tạo các loại giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo giá trị cao trong xuất khẩu, từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Thanh Tùng/VOV- ĐBSCL
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn