Từ cam Cao Phong, đến chuối Long An
Cây cam được phát triển tại huyện Cao Phong (Hòa Bình) từ năm 1960 do nông trường Nông cam Cao Phong đưa vào trồng đại trà, với các giống cam như cam Xã Đoài, cam Sông Côn và những giống nhập nội khác. Nông trường có diện tích 900 ha, với sản lượng 3.000 tấn, xuất khẩu qua những nước Liên Xô cũ gần 50% sản lượng. Từ năm 1990, sau khi thực hiện cơ chế khoán hộ, các hộ nhận khoán đã mạnh dạn mở rộng diện tích, đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cây cam, quýt trên toàn huyện đã tăng mạnh cả về năng suất và chất lượng.
Đến nay, huyện Cao Phong có hơn 2.000 ha cây có múi, với sản lượng 23.000 tấn, tạo đà cho việc phát triển diện tích cây có múi sang các huyện khác trong tỉnh. Đến năm 2016, diện tích cây có múi tại tỉnh Hòa Bình đã đạt 6.300 ha.
Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, đến nay cây cam đã trở thành cây hàng hóa chủ lực của huyện, góp phần nâng cao thu nhập của người dân Cao Phong. Huyện đã quy hoạch để phát triển diện tích trồng cam lên đến 1.500 ha, với sản lượng 20.000 tấn, bảo đảm thu nhập hơn 500 triệu đồng/ha. Rất nhiều giải pháp đồng bộ được thực hiện, như quy hoạch vùng trồng cam với cơ cấu giống rải vụ hợp lý: chín sớm, chín chính vụ và chín muộn, bảo đảm ổn định mức giá khi thu hoạch. Áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến trong nông nghiệp từ phân bón, bảo vệ thực vật đến các hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm nhằm tạo ra nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cam Cao Phong, bảo vệ chỉ dẫn địa lý, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, công tác sau thu hoạch, phân loại, đóng gói và bảo quản sản phẩm cũng được chú trọng. Công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm qua các hoạt động, như lễ hội Cam Cao Phong, đã tạo nên tiếng vang cho vùng đất này. Nhờ sức lao động và sự sáng tạo, cam Cao Phong đã giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú ngay trên quê hương mình.
Cùng với cam Cao Phong, chuối Long An cũng là mặt hàng nông sản tạo được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Từ lâu, cây chuối không xa lạ với bất cứ người dân Việt nào, tuy nhiên bao đời nay việc trồng và phát triển rất manh mún, thiếu đầu tư, chất lượng sản phẩm thấp. Tuy nhiên, tại mảnh đất vốn chỉ dành thế mạnh cho cây lúa, nay hiệu quả cây chuối đang được khẳng định. Điển hình là trang trại chuối triệu đô của lão nông Út Huy (Võ Quan Huy - xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, Long An). Ông còn "chịu chơi" khi thuê cả chuyên gia người Phi-li-pin về để trồng chuối. Hằng ngày, các nhân công người Việt dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Phi-li-pin, chăm sóc chuối theo quy trình hoàn toàn hữu cơ. Chuối được chăm sóc từng trái từ khi vừa bằng ngón tay, đến vặt hoa thừa, tỉa trái và bẻ bông; "mặc áo giáp" để hạn chế côn trùng, sâu hại cho đến khi thu hoạch.
Khâu thu hoạch cũng công phu không kém, chuối được phân loại, loại bỏ cuống thừa, được khử khuẩn trước khi lau khô đóng gói, sau đó đóng vào túi ni-lông và hút chân không trước khi xếp vào hộp, bảo quản ở kho lạnh. Từ đây, chuối Việt với thương hiệu FOHLA (Fruit of Huy Long An) đã đi vào các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Vươn tầm quốc tế
Đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp điển hình về sản xuất nông nghiệp Việt Nam thời kỳ hội nhập. Ở nước ta còn nhiều vùng đặc sản với tiềm năng phát huy thế mạnh lớn, như nhãn lồng Hưng Yên, thanh long Bình Thuận, sâm Ngọc Linh (Quảng Nam), các vùng lúa đặc sản như Nàng Thơm Chợ Đào, nếp cái hoa vàng… Bên cạnh đó, phải kể tới những vật nuôi đặc sản, như gà Đông Tảo, lợn rừng… là những đặc sản nổi tiếng. Với cách làm ăn bài bản, từ việc khuyến khích liên kết sản xuất đặc sản vùng đến việc thâm canh cơ giới hóa và đầu tư khoa học kỹ thuật, đã định hình cho tương lai sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Hướng đi trên chỉ ra cách giải quyết bài toán mở rộng phát triển sản xuất phù hợp với xu hướng hiện đại.
Từ đây, các thương hiệu nông sản Việt được ươm mầm phát triển, vươn tầm ra châu lục và quốc tế. Những năm gần đây, xuất khẩu nông sản đã vượt con số 30 tỷ USD, trong đó có tới 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn một tỷ USD. Đặc biệt, là ngành hàng rau quả, đã có sự bứt phá ngoạn mục, với giá trị xuất khẩu rau, quả sáu tháng đầu năm 2017 ước đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu hàng đầu của rau quả Việt Nam, chiếm hơn 80% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và ngành rau quả nói riêng đang đứng trước ba thách thức lớn, đó là nền sản xuất vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, với hơn 10 triệu hộ nông dân, cho nên năng suất lao động thấp so với khu vực và thế giới; Việt Nam là một trong những nước ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp; mặc dù đã có 10 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu hơn một tỷ USD, nhưng thách thức về hội nhập, thị trường rất lớn. Vì vậy, trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần theo hướng tập trung, bền vững, theo chuỗi giá trị sâu, thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao. Nhất là, phải tổ chức chế biến nông sản theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và thị trường. Để làm được điều này, ngày 21-6 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản và muối. Đồng thời sẽ thực hiện điều phối các hoạt động phát triển thị trường; đầu mối quản lý về chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo Quyết định số 1348/QĐ-BNN-TCCB ngày 11-4-2017 của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là nỗ lực lớn của ngành nông nghiệp, nhằm phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để tổ chức tốt hơn nữa khâu sản xuất và thị trường nông sản, với mục tiêu khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu thế giới và thị trường nội địa.
Theo baonhandan