Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 3 năm 2013-2015, mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường gây ra nhưng sản xuất tăng trưởng với tốc độ khá cao (tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm). Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013-2016 đạt 120,7 tỷ USD, trung bình mỗi năm tăng 1,0 tỷ USD/năm, riêng năm 2016 ước đạt 32,1 tỷ USD.
Ba năm triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay các nhà khoa học đã tạo ra được 149 giống cây trồng vật nuôi mới, 65 quy trình công nghệ, 35 tiến bộ kỹ thuật cùng với nhiều giải pháp trong các lĩnh vực, kịp thời chuyển giao vào sản xuất và được thực tiễn sản xuất tiếp nhận.
Tuy vậy, theo Giáo sư, Viện sỹ (GS.VS) Trần Đình Long – Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, còn nhiều bất cập trong quá trình nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ ngành nông nghiệp, nông thôn. Trong đó có thể thấy nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước ta giữ vị trí cao trên thế giới nhưng hiệu quả còn thấp. Hiện nay, nước ta vẫn chưa có các mặt hàng là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.
“Cần có cơ chế để thu hút các nhà khoa học dù đang đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu để cùng thực hiện công tác nghiên cứu KH&CN cho các giống cây trồng, vật nuôi. Đây là nguồn lực đóng góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu và ứng dụng KH&CN ngành nông nghiệp” - GS.TS Trần Đình Long đề nghị.
GS Vũ Trọng Hồng – Hội Thủy lợi Việt Nam đề nghị, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên tập trung ưu tiên cho những vùng ít bị rủi ro bởi thiên tai, thời tiết. Đồng thời, giữa nông nghiệp và thủy lợi có mối quan hệ hữu cơ nên mỗi dự án nông nghiệp cần phải có dự án thủy lợi đi kèm mới đạt hiệu quả cao.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cũng cho biết, ngành nông nghiệp hiện nay đang tập trung vào các sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng miền, địa phương, vì vậy, các nguồn lực cần tập trung thực hiện theo các chuỗi này. Đồng thời, với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, chúng ta sẽ tiếp tục tháo gỡ về thể chế, chiến lược, tác động vào đầu tư công, dịch vụ công, tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để tạo cơ hội cho KH&CN phục vụ cho phát triển nông nghiệp.
Năm 2017 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp 5 năm 2016 – 2020 trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016. Với sự ủng hộ, tham gia tích cực và tâm huyết của cộng đồng các nhà khoa học, các hiệp hội, hội và doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp tục khẳng định, KH&CN là khâu then chốt tạo sự đột phá, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Có thể nói, KH&CN không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của ngành nông nghiệp, mà sự phát triển của KH&CN chính là sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Theo Hùng Cường/vietq.vn
http://vietq.vn/vai-tro-then-chot-cua-khcn-trong-xay-dung-nong-thon-moi-d115269.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn