Từ vai trò “bà đỡ”
Thực tế thời gian qua cho thấy, trong sản xuất nông nghiệp đã có nhiều HTX làm tốt vai trò là “bà đỡ” cho các hộ nông dân liên kết với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ manh mún, phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao. Các HTX này đã vận động, tổ chức cho các hộ nông dân chuyển ghép ruộng đất, thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Khắc phục được hạn chế về ruộng đất manh mún chia cắt, hình thành những cánh đồng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, gia tăng giá trị sản phẩm thu hoạch và thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp thường tổ chức cung ứng một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất của các hộ xã viên (cung ứng vật tư, giống, phân bón, tư vấn hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật, vay vốn...), một số HTX còn tổ chức tiêu thụ sản phẩm, hoặc trực tiếp làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm không phải thông qua trung gian là tư thương, đầu nậu. Nhờ vậy, người sản xuất nhỏ chẳng những tránh được tình trạng bị ép giá, mà giá trị sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất được tăng lên, nhất là đối với những hộ nông dân nghèo thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn đầu tư.
Trường hợp chuỗi sản xuất - tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, cơ cấu chuỗi giá trị gia tăng tính trên một tấn gạo được tiêu thụ gồm: Khâu sản xuất lúa do nông dân sản xuất nhỏ thực hiện chiếm khoảng 53%, khâu thu gom lúa do tư thương thực hiện chiếm 16%, khâu chế biến lúa thành gạo do doanh nghiệp thực hiện chiếm 13% và khâu tiêu thụ gạo chiếm 18%. Khi có HTX làm dịch vụ ở khâu sản xuất và tiêu thụ lúa, tỷ trọng khâu sản xuất lúa của nông dân xã viên tăng lên rõ rệt trong chuỗi giá trị, có thể lên tới từ 60 đến 62%, tỷ trọng khâu thu gom lúa giảm xuống còn khoảng từ 7 đến 9%, thu nhập của nông dân được tăng lên từ 1,1 đến 1,3 lần. Ðiển hình là những mô hình HTX, tổ hợp tác ở một số tỉnh như Thái Bình, Nam Ðịnh, An Giang, Kiên Giang,... đã tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo xuất khẩu với doanh nghiệp, qua đó giúp các hộ nông dân phát triển được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, giảm chi phí sản xuất và tiêu thụ lúa, lợi nhuận cao hơn từ 20 đến 25% so với khi chưa tham gia HTX.
Ðến Hợp tác xã kiểu mới
Không những góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, mà hoạt động của HTX còn gắn với quá trình triển khai thực hiện những chương trình, dự án phát triển cộng đồng, như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, dạy nghề,… góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các HTX còn gặp nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một phần do cơ chế chính sách ban hành nhưng chưa thật sự đi vào cuộc sống; sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với khu vực này còn hạn chế. Mặt khác vẫn tồn tại nhiều HTX yếu kém cả về cơ sở vật chất và năng lực quản lý. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cả nước hiện có khoảng 11.688 HTX nông nghiệp, nhưng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tổng hợp và chỉ có 33% số HTX hoạt động hiệu quả, 193 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao.
Do đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiến đến xây dựng các HTX nông nghiệp kiểu mới, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về Luật Hợp tác xã năm 2012; Nghị định số 193/2013/NÐ-CP và Nghị định số 107/2017/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ưu đãi phát triển HTX theo Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 2261/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của một số luật, như Luật Ðất đai về tích tụ ruộng đất, quyền sử dụng đất nông nghiệp lâu dài nhằm tạo hành lang pháp lý để HTX vận động thành viên dồn điền, đổi thửa tạo diện tích canh tác lớn..., cũng như một số luật khác có liên quan đến ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp; các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, Liên hiệp hợp tác xã nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng.
Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương triển khai Ðề án đổi mới phát triển 15 nghìn HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 vừa được Chính phủ phê duyệt, cũng như tiếp tục xây dựng Ðề án hỗ trợ phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ðồng thời, phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng HTX, tiến tới hình thành liên hiệp HTX cho một số sản phẩm chủ lực có quy mô, sức lan tỏa rộng. Riêng đối với hệ thống tư vấn, hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ trực tiếp đối với các HTX nông nghiệp kiểu mới tham gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp theo dự án do HTX đã xây dựng. Kết hợp chặt chẽ giữa tư vấn xây dựng đề án, dự án đổi mới hoạt động HTX kiểu mới gắn với ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ mới đối với các HTX nông nghiệp. Ðồng thời, các quỹ, chương trình hỗ trợ phát triển HTX của các ban, trung tâm, viện đều phải tập trung vào những HTX đang có dự án tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới và thực hành VietGAP để HTX thực hiện “công nghiệp hóa nông nghiệp”.
Bên cạnh đó, các quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Trung ương và địa phương cũng cần dành khoản kinh phí nhất định để cho vay đối với các HTX nông nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Ðẩy mạnh hoạt động phối hợp với các cơ quan thông tin, đại chúng để tuyên truyền, giới thiệu nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động hiệu quả.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn