Đề án khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp; tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh Yên Bái xác định chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp vì vậy nhiệm vụ tăng tỷ trọng chăn nuôi là giải pháp chủ yếu để duy trì và nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp. Đề án tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn gia súc chính đạt trên 675.000 con; Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc chính bình quân hàng năm đạt trên 3,0%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 43.500 tấn.
Toàn tỉnh Yên Bái đã có 3 cơ sở chăn nuôi lợn đã được chứng nhận VietGAP. |
Bên cạnh đó, sẽ thực hiện cải tạo đàn trâu, bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo bằng các giống có năng suất, chất lượng nhằm giải quyết tình trạng thiếu trâu, bò đực giống; cải thiện tầm vóc và khả năng sản xuất thịt, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Mặc dù trong năm 2017 giá thị trường thịt lợn hơi xuất chuồng trên cả nước liên tục giảm, làm cho sản xuất chăn nuôi lợn không có lãi, người dân phải giảm quy mô đầu đàn chăn nuôi. Song tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại của tỉnh trong năm 2017 đạt 48.514 tấn, đạt 105,4% so với kế hoạch Đề án.
Bên cạnh đó, giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2017 (theo giá so sánh 2010)đạt 1.623,7 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2015 và tăng 4,9% so với năm 2016; cơ cấu chăn nuôi trong nội ngành nông nghiệp chiếm 33,1%, đạt mục tiêu Đề án đề ra.
2 năm vừa qua, chính sách của tỉnh đã hỗ trợ phát triển được 659 cơ sở chăn nuôi. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đã có 3 cơ sở chăn nuôi lợn đã được chứng nhận VietGAP; Hình thành 13 chuỗi liên kết, trong đó có 3 chuỗi chăn nuôi liên kết theo hình thức khép kín được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Cùng với chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi vùng sản xuất hàng hoá, việc áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; phương thức nuôi công nghiệp sử dụng thức ăn hỗn hợp được áp dụng phổ biến trong chăn nuôi nông hộ, cơ cấu chăn nuôi lợn công nghiệp, bán công nghiệp chiếm trên 50% tổng đàn, đạt vượt mục tiêu Đề án đề ra; sản lượng thịt hơi chăn nuôi công nghiệp chiếm 41% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng, đạt 83% mục tiêu Đề án.
Để phát huy lợi thế chăn nuôi của các địa phương, ngành Nông nghiệp đã xác định phân vùng chăn nuôi cho các giống vật nuôi chủ lực của tỉnh tại Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016-2020 bao gồm: Vùng chăn nuôi lợn, gia cầm; vùng chăn nuôi trâu, bò. Trên cơ sở phân vùng chăn nuôi nhằm hỗ trợ phát triển các cơ sở chăn nuôi tập trung cho các địa phương theo hướng ưu tiên phát triển chăn nuôi đại gia súc đối với các vùng có lợi thế về diện tích đồi rừng để phục vụ chăn thả và trồng cây thức ăn gia súc; đối với các huyện, xã vùng thấp gắn liền với sản xuất cây lương thực thì ưu tiên phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm.
Ngoài ra, với đặc thù của tỉnh miền núi, địa hình chia cắt bởi đồi núi, do đó không có nhiều quỹ đất để quy hoạch đồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Cùng với chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò tập trung, diện tích cỏ trồng của tỉnh ngày một tăng, hiện tại toàn tỉnh có trên 2.000 ha cỏ trồng. Người chăn nuôi đã tận dụng tối đa các diện tích đất nhỏ lẻ ven đồi, ven ruộng, lạch, suối... để trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò bằng các giống cỏ có năng suất cao, thích hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển đàn đại gia súc theo hướng bán chăn thả đối với các địa phương có thế mạnh về đồi rừng, đất trồng cây thức ăn thô xanh; Phát triển đàn lợn và gia cầm theo hướng chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô phù hợp ngoài khu dân cư, gắn với cơ sở giết mổ, chế biến, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và có nơi tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó tỉnh sẽ đặc biệt quan tâm đến xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh và tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh của tỉnh, đồng thời tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP trong chăn nuôi để nâng cao chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu khi xuất bán, tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất đi đôi với đánh giá, xác định được trữ lượng sản phẩm, từng chủng loại, từng thời điểm để từ đó có kế hoạch giới thiệu, mời gọi các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm tránh tình trạng ứ đọng, dư thừa, giảm giá gây thua lỗ.
Trên cơ sở Dự án quy hoạch, dự kiến trước mắt sẽ đề xuất xây dựng 02 cơ sở giết mổ tập trung tại thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ. Song song với việc mời gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo Thương hiệu và Pháp luật