Tới xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng, chúng tôi rất xúc động khi được nghe câu chuyện 36 cán bộ lực lượng vũ trang vì nghĩa tình với quê hương đã về quê “xung kích” đi đầu, kêu gọi bà con chung tay xây dựng nông thôn mới hiệu quả…
Du Lễ là vùng quê nghèo thuần nông nên sau khi có Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, do nguồn lực hạn hẹp, xã phải làm từng việc, phấn đấu từng tiêu chí. Mỗi lần đi tranh thủ về quê, Đại tá Phạm Hữu Phán và Trung tá Phạm Hữu Tuấn, cán bộ thuộc Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) không khỏi chạnh lòng, nghĩ suy khi đi qua những con đường ngõ xóm còn gập ghềnh ổ gà hoặc nhầy nhụa bùn đất.
Không lẽ tất cả chỉ trông chờ vào những người “ở nhà”? Tổng công ty Đông Bắc cũng phát động phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn đóng quân. Vậy thì tại sao mỗi người lính lại không thể “chung tay” xây dựng ngay trên quê hương mình? Anh Phán, anh Tuấn bàn bạc với nhau rồi đi đến thống nhất phải “vào cuộc”. Nhân dịp đầu Xuân 2012, số anh em bộ đội, công an về quê ăn Tết, hai anh đã phát động mọi người chung tay xây dựng nông thôn mới theo cách của họ.
Khi ý tưởng được đề xuất, cả 36/36 người lính cùng quê đều nhiệt tình hưởng ứng, báo tin cho nhau cùng tham gia. Ban đầu họ làm một con đường ngõ xóm, rồi tiến lên làm hai, ba ngõ xóm. Người quân hàm cao, lương cao góp nhiều, người quân hàm thấp, lương ít hơn góp ít. Xúc động nhất, hai người lính đang công tác tại Trường Sa năm ấy là Trung tá Tăng Văn Ngọc, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn (nay là cán bộ Cục Chính trị - Quân chủng Hải quân) và Thượng úy QNCN Tăng Xuân Trường (đảo Trường Sa Đông) cũng nhờ đồng đội từ vùng 4 “chuyển tài khoản”, trích tiền lương gửi về quê tham gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Đức Thảnh, Bí thư Đảng ủy xã Du Lễ xúc động cho biết: “Việc những người lính xung kích đi đầu quyên góp như tạo ra một “chất keo” gắn kết bà con trong làng, trong xã, đoàn kết hơn, mọi nhà đều vào cuộc. Bà con góp công, góp sức, góp thêm đá, cát nên những con đường cứ thế vươn dài. 100% số hộ đều tham gia”.
Nhà đẹp đã nhiều, những con đường thôn trải bê tông đã vươn khắp. Nhưng vẫn còn một điều anh Phán, anh Tuấn thấy trăn trở: Đó là nghĩa trang liệt sĩ, nơi yên nghỉ của 85 liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đều là người quê xã Du Lễ, xây dựng đã lâu, nay xuống cấp. “Cuộc vận động” lần thứ hai được các anh phát động trong dịp Tết 2013 tiếp tục được những người lính đồng tình hưởng ứng. Gần 400 triệu đồng đã được quyên góp, gửi về quê từ những đồng tiền tiết kiệm của họ và cả sự kêu gọi những người hảo tâm, nhà tài trợ khác.
Dịp 27-7 vừa qua, Lễ khánh thành nghĩa trang liệt sĩ xã Du Lễ đã được tổ chức cùng với lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ. Đêm ấy, trời đổ mưa tầm tã nhưng bà con vẫn tìm về chật kín tri ân những người con đã hy sinh vì quê hương, đất nước.
Nói về câu chuyện trên, Chủ tịch UBND xã Phạm Quang Chiến nhận xét: “Mỗi vùng quê đều có nhiều con em thành đạt, ở nhiều ngành nghề khác nhau. Cách làm những người lính hướng về quê hương là rất đáng quý, cần nhân rộng hơn nữa”.
NGUYÊN MINH - HOÀNG NGÂN
Nguồn qdnd.vn