Chị Đỗ Thị Hảo ở thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm chăm sóc đàn gà của gia đình.
Nâng cao chất lượng từ quy trình nuôi theo hướng VietGAP
Trên mảnh đất rộng của gia đình chị Đỗ Thị Hảo, ở thôn Hồng Lạc (xã Đồng Tâm) đang nuôi 2.500 con gà giống Ri Lai, trong đó 1.000 con đã đủ lớn để xuất bán, còn 1.500 con đang được nuôi để phục vụ thị trường dịp Tết. Khu chăn nuôi của gia đình được vệ sinh sạch sẽ, hệ thống máng ăn cho gà và nước uống được bố trí khoa học.
Với kinh nghiệm nuôi gà nhiều năm, chị Hảo chia sẻ: “Để có đàn gà khỏe mạnh, mã đẹp phục vụ thị trường dịp Tết, gia đình tôi luôn chú trọng các bước của quy trình nuôi theo hướng VietGAP, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho gà. Khi chuẩn bị xuất bán sẽ cho gà ăn ngô thay vì ăn thóc để chất lượng gà thịt tăng lên. Đặc biệt, năm nay, tôi sử dụng chế phẩm sinh học Biowish - chế phẩm an toàn trong chăn nuôi, kết quả bước đầu cho thấy đàn gà khỏe, ít phải dùng vắc-xin mà vẫn sinh trưởng tốt.”
Cũng ở thôn Hồng Lạc, mô hình nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng có hơn 800 con gà Ri Lai khoảng hơn 1 tháng tuổi đang sinh trưởng khỏe mạnh. Anh Dũng phấn khởi nói: “Cứ đà này, khoảng 3 tháng nữa đàn gà nhà tôi sẽ đủ lớn, vừa kịp cung cấp thị trường dịp Tết”.
Theo anh Ngô Văn Long - cán bộ thú y xã Đồng Tâm, toàn xã có 150 hộ nuôi gà theo quy mô hàng hóa, áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP từ năm 2013 đến nay. Để bảo đảm an toàn cho số gia cầm của người dân, đặc biệt là đàn gà phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2017, cán bộ xã tập trung tuyên truyền giúp người dân phòng, chống dịch bệnh và không dùng các thức ăn cấm trong chăn nuôi để có đàn gà khỏe, an toàn, khẳng định thương hiệu "Gà đồi Yên Thế" bằng chất lượng.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, hiện nay, tổng gia cầm trên địa bàn huyện có khoảng 4,3 triệu con, trong đó, đàn gà có trên 4 triệu con. Riêng dịp Tết Nguyên đán năm 2017, dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 1,5-1,6 triệu con gà chất lượng cao, chủ yếu là gà Ri Lai và Mía Lai từ 4-5 tháng tuổi, trong đó gà Ri Lai chiếm từ 35-40%.
Đàn gà của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm được nuôi theo hướng VietGAP.
Anh Lương Văn Hiến - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế cho biết: “Để nâng cao chất lượng gà thương phẩm đáp ứng thị trường tiêu dùng, huyện chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn các trang trại, hộ dân tăng cường việc thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu giống gà nuôi trên địa bàn theo hướng nâng tỷ lệ gà Ri Lai nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường”.
Cùng với đó, huyện Yên Thế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như Newcastle, tụ huyết trùng... Cấp phát hóa chất khử trùng tiêu độc, đồng thời làm tốt công tác kiểm tra các điểm giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Ngoài ra, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tuân thủ đúng quy trình trong chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao chất lượng đàn gà thịt, hạ giá thành sản phẩm kết hợp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường chăn nuôi cũng như việc phát triển quy mô đào tạo từng lứa, từng lô giúp đàn gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Để mở rộng thị trường Tết năm nay, huyện phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng, phương tiện thông tin đại chúng tăng cường quảng bá thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”, nhất là tại thị trường Hà Nội để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Tiếp tục duy trì các đầu mối tiêu thụ gà đồi dưới dạng tươi sống (gà lông) đối với các thị trường truyền thống như: TP Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và một số khu công nghiệp các tỉnh phía Bắc.
Với việc hình thành và phát triển thương hiệu "Gà đồi Yên Thế" đã giúp các hộ ở huyện Yên Thế thay đổi nhận thức trong chăn nuôi, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn