Một năm thắng lợi
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, năm 2017 đánh dấu sự thắng lợi toàn diện của ngành nông nghiệp, với các thành tựu nổi bật như:
Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn; sản lượng các loại nông sản tăng mạnh trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt. Theo đó, Bộ đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo chặt chẽ mùa vụ, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường; khẩn trương khôi phục lại sản xuất sau thiên tai, tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, sản lượng các loại nông sản tăng mạnh trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, đáp ứng dồi dào nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường; tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi như: thủy sản, rau, hoa, quả nhiệt đới, các loại cây công nghiệp giá trị cao và đồ gỗ; giảm các ngành hàng, sản phẩm đang có xu hướng cung vượt cầu như: lúa gạo, thịt lợn.
Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương.
Thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng được mở rộng và tháo gỡ nhiều rào cản, kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục. Năm 2017, Bộ đã tập trung chỉ đạo phát triển thị trường, tháo gỡ nhiều rào cản, vướng mắc cho xuất khẩu và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước. Vì vậy, trong năm (trừ mặt hàng thịt lợn 9 tháng đầu năm tồn kho nhiều, giá giảm) hầu hết các loại nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá ở mức có lợi cho nông dân, xuất khẩu tăng mạnh. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao: rau quả tăng 40,5%; cao su tăng 35,6%, gạo tăng 23,2%, điều tăng 23,8%, tôm tăng 22,3%, đồ gỗ và lâm sản tăng 9,2%... Trong 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, đã có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 36,37 tỷ USD, tăng 4,19 tỷ USD (13,0%) so với năm 2016; thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016.
Các hình thức tổ chức liên kết sản xuất tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ ngày càng được chú trọng phát triển. Các doanh nghiệp nhà nước, các công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục được sắp xếp, chuyển đổi, hoạt động hiệu quả hơn.
Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Trong 12 tháng đầu năm 2017, đã có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành lên khoảng 5.661. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và đã đầu tư hàng tỷ USD, đạt được những thành công rõ rệt.
Số lượng trang trại, hợp tác xã nông nghiệp tiếp tục tăng, hoạt động theo luật, dần thích nghi với cơ chế thị trường. Đến 2017, cả nước có 26.933 trang trại, 12.185 HTX nông nghiệp. Số HTX thành lập mới sau 5 năm thực hiện Luật là 4.045, riêng năm 2017 đã có 1.439 HTX thành lập mới; 33% số HTX hoạt động hiệu quả. Trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi, hợp tác liên kết quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng ở các lĩnh vực và nhiều địa phương.
Khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều. Ngay từ những ngày đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã phát động chủ trương thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai trong hệ thống ngân hàng thương mại gói tín dụng ưu đãi (100 nghìn tỷ đồng) cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, đã có khoảng 6.400 khách hàng, vay khoảng 36.000 tỷ đồng (36%).
Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm hàng nông sản tiếp tục được tăng cường, niềm tin của người dân vào nông sản trong nước ngày càng tăng
Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chọn là Năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng, ATTP. Hàng tháng Bộ tổ chức giao ban, chỉ đạo giải quyết những vấn đề căn cơ của công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và hàng nông sản, đảm bảo cho người tiêu dùng trong nước có nguồn nông sản an toàn, chất lượng và tin cậy; đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và chương trình “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho Thế giới”; xây dựng thành công 746 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn tại 63 tỉnh/thành phố. Đồng thời, tăng cường giám sát chất lượng hàng xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra; các nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Đến hết năm, cả nước có 2.884 xã và 43 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 524 xã (tương đương 5,87%) và 13 huyện so với năm 2016; bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã; còn 176 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 81 xã so với năm 2016; 90% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (tăng 2,5% so với năm 2016).
Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện
Năm 2017 ghi nhận sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn vào nông nghiệp.
Dù đạt được nhiều thành tựu nhưng năm 2017, ngành nông nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai xảy ra phức tạp, có sự chủ quan, thiếu quyết liệt ở một số địa phương trong công tác phòng, chống nên thiệt hại lớn ảnh hưởng đến tăng trưởng của Ngành và cơ sở vật chất, đời sống của người dân (thiệt hại cả về sản xuất và cơ sở hạ tầng là 59.500 tỷ đồng).
Cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện mạnh mẽ ở nhiều địa phương nhưng kết quả còn chưa đồng đều, thiếu nguồn lực để hỗ trợ thực hiện. Mặc dù đã có nhiều cải thiện thời gian qua nhưng năng suất lao động nông nghiệp vẫn thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và so với các nước trong khu vực nên hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân được cải thiện chậm. Công nghiệp chế biến chậm phát triển, chưa trở thành kênh tiêu thụ nông sản chính, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ.
Công tác nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường còn nhiều bất cập, nên đã xảy ra tình trạng dư cung đối với một số sản phẩm (thịt lợn, dưa hấu) tại thời vụ thu hoạch rộ. Hội nhập quốc tế sâu rộng tiếp tục đem lại nhiều thách thức cho hàng nông sản (Ví dụ: việc EU “Rút thẻ vàng” đang là thách thức lớn với thủy sản Việt Nam). Vốn đầu tư cho ngành và cho Bộ thấp hơn nhiều so với nhu cầu, nhất là vốn hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành; trong Kế hoạch trung hạn 2016-2020 nhiều dự án ODA thiếu vốn nước ngoài, nguy cơ bị chậm tiến độ so với Hiệp định đã ký;
Vì vậy, năm 2018 được xác định là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 của ngành với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững có khả năng cạnh tranh cao; tăng thu nhập và cải thiện đời sống của dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường”.
Các chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng trưởng ngành đạt khoảng 2,8- 3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 36-37 tỷ USD; có 37% số xã và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.
Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn