Ngành chăn nuôi Việt Nam được đánh giá là một ngành triển vọng. Theo IFC, tiêu dùng thực phẩm trong nước của Việt Nam chiếm khoảng 15% GDP, với tốc độ tăng trưởng gần 18% mỗi năm.
Hiện cả nước chỉ có một công ty hoàn thiện chuỗi khép kín về gà Ảnh: TTXVN
Thời gian gần đây, một số mặt hàng có dấu hiệu rớt giá, ế ẩm. Theo tính toán thì thị trường vẫn có nhu cầu rất lớn, nhưng người tiêu dùng còn dè dặt vì lo ngại một số sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dự án An toàn Thực phẩm của IFC triển khai trong 3 năm, hỗ trợ các công ty chế biến nông sản và thực phẩm cùng chuỗi giá trị cải thiện an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
IFC sẽ giúp 3 trang trại gia cầm độc lập thực hiện chứng nhận GlobalGAP tại 54 nhà nuôi gà, giúp các hoạt động tại các trang trại đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn sinh học. Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam cho rằng: “Nâng cao chất lượng thực phẩm không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí và đóng góp vào việc bảo đảm an ninh lương thực”.
Ông Kay De Vreese, Tổng Giám đốc Công ty CP Bel Gà vui mừng về dự án an toàn thực phẩm nhằm đạt chứng chỉ GobalGAP tại 54 trại gia cầm. Theo ông Kay De Vreese, an toàn thực phẩm sẽ giúp cung cấp các sản phẩm gia cầm an toàn, giá cả phải chăng và có thể truy xuất nguồn gốc. IFC là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất, năm 2016 đã hỗ trợ 19 tỷ USD vốn dài hạn cho khu vực tư nhân tại các nước đang phát triển giúp xóa bỏ đói nghèo, cùng nhau thịnh vượng.
Ai cũng biết mục tiêu của sản xuất kinh doanh là lợi nhuận, nhưng với mặt hàng thực phẩm như gia súc gia cầm thì mục tiêu an toàn cho sức khỏe con người là yếu tố quan trọng nhất. Vì nếu thực phẩm không an toàn thì cũng không thể nào tiêu thụ được.
Một trong những thước đo độ an toàn trong sản phẩm chăn nuôi chính là xuất khẩu. Tuy vậy đây mới là giai đoạn đầu của xuất khẩu sản phẩm này. Hiện cả nước chỉ có 6 cơ sở giết mổ xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc) và 2 cơ sở giết mổ xuất khẩu sang Malaysia. Năm 2016, sản lượng thịt heo xuất khẩu đạt khoảng 11.000 tấn (trị giá khoảng 100 triệu USD). Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt khoảng 10.600 tấn (trị giá khoảng 46 triệu USD).
Mặt hàng gà thì chỉ có 2 công ty đăng ký xuất khẩu là Công ty TNHH Koyu & Unitek và Công ty TNHH CP. Việt Nam. Cả nước mới chỉ có duy nhất một công ty ở Đồng Nai hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín từ khâu chế biến thức ăn chăn nuôi đến sản phẩm thịt gà chế biến xuất khẩu đã được kiểm tra và đánh giá bởi các chuyên gia quốc tế.
Xuất khẩu trứng gia cầm lạc quan hơn khi đã có 5 cơ sở đã và đang xuất khẩu trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, trứng chim cút đóng hộp sang các thị trường: Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản...
Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án “Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu”. Mục tiêu năm 2017 hoàn thành xây dựng chuỗi thịt gà chế biến chín xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản và từ năm 2018 tiếp tục mở rộng sang thị trường châu Á, châu Âu. Đối với thịt heo, dự kiến hết năm 2020 xây dựng được một số chuỗi sản xuất thịt heo chế biến chín xuất sang Đông Nam Á, châu Á, châu Âu…
Cái khó nhất là các thị trường đều yêu cầu phải có chuỗi sản xuất khép kín, tất cả công đoạn đều phải tuân thủ theo nguyên tắc an toàn vệ sinh. Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng đề án sản xuất theo chuỗi khép kín, không có tồn dư các hóa chất như kháng sinh, hormone, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng.
Tuy vậy, các doanh nghiệp đều tỏ ý lo ngại các đề án sẽ không khả thi, nếu dịch bệnh xảy ra. Bởi theo thông lệ quốc tế thì khi dịch bệnh xảy ra, các thị trường sẽ cấm nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi theo vùng địa lý chứ không theo nhà máy. Nghĩa là dịch bệnh xảy ra thì các nhà máy và trang trại trong khu vực đó đều nằm trong diện không được bán ra thị trường. Bởi vậy, trong các hội nghị, hội thảo gần đây, các ý kiến đều cho rằng cần xây dựng song song đề án chăn nuôi khép kín an toàn với đề án xây dựng vùng chăn nuôi trọng điểm không dịch bệnh.
Hiện nay xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu heo, chủ yếu là sản phẩm tươi sống. Những mặt hàng này vừa không có giá trị cao lại tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình vận chuyển. Dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng rất khó kiểm soát. Ngoài ra, các nước cũng có yêu cầu rất cao về kiểm dịch đối với mặt hàng tươi sống.
Việc xây dựng các nhà máy chế biến hiện đại, đồng thời nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm, đa dạng sản phẩm sẽ giúp xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi Việt Nam phát triển vững chắc hơn trong tương lai gần.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Vũ Văn Tám, trong các hội nghị bàn về xuất khẩu đã cho rằng với điều kiện thực tế hiện nay, chúng ta nên ưu tiên xuất khẩu các sản phẩm đã chế biến. Các sản phẩm qua chế biến sẽ dễ kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể tạo ra thị trường ổn định và xây dựng được thương hiệu. Điển hình là việc xuất khẩu trứng vịt muối của Việt Nam được đánh giá rất cao. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn