Nông dân TP. Bạc Liêu trồng rau màu theo quy trình an toàn sinh học.
SẢN XUẤT RAU AN TOÀN
Vùng trồng rau màu lớn nhất của tỉnh là xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu); xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi); xã Vĩnh Mỹ B, Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình). Đây là nơi cung cấp rau với số lượng khá lớn cho các chợ đầu mối của tỉnh.
Những năm gần đây, ngành chức năng đã tập huấn và hướng dẫn nông dân sản xuất cũng như thành lập các hợp tác xã sản xuất rau an toàn.
Gia đình ông Trần Ô Em (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) có 4 công đất trồng rau an toàn. Mỗi năm ông Em trồng 6 - 7 vụ rau. Ông Em đang trồng ngò rí xen hành lá. Khoảng 1,5 tháng nữa là thu hoạch hành lá, còn ngò rí khoảng 20 ngày nữa thu hoạch. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn nên từ đầu vụ đến nay ông Em chỉ phun thuốc 3 lần. Ông Em cho biết: “Trước đây, khi chưa áp dụng quy trình trồng rau an toàn, mỗi vụ rau màu tôi phun xịt thuốc khoảng 8 lần. Giờ chỉ xịt thuốc khoảng 5 - 6 lần/vụ, giảm khoảng 600.000 - 700.000 đồng”.
Còn ông Trương Vũ Long (xã Vĩnh Trạch Đông) cũng là người trồng rau màu lâu năm. Nhờ được tập huấn trồng rau an toàn, ông Long thấy việc phun thuốc trừ sâu không an toàn cho sản phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người phun thuốc cũng như người tiêu dùng. Từ đó, ông Long trồng rau theo quy trình an toàn. Củ cải trắng do ông Long trồng được chăm sóc, bón phân rất kỹ và đúng liều lượng, giảm tối đa việc phun xịt thuốc trừ sâu.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiệu quả kinh tế khi áp dụng sản xuất rau theo hướng an toàn thể hiện rất rõ. Với cây măng tây, nếu sản xuất theo tập quán, năng suất bình quân đạt 14,7 tấn/ha/năm. Trong khi đó, nếu sản xuất theo quy trình an toàn, năng suất tăng thêm 5,25 tấn/ha/năm. Với cây hẹ lá, nếu sản xuất theo tập quán, năng suất bình quân đạt 105 tấn/ha/năm, còn trồng theo quy trình an toàn thì năng suất tăng thêm 22 tấn/ha/năm, và tăng lợi nhuận thêm 135 triệu đồng/ha/năm. Riêng với cây hẹ bông, năng suất tăng thêm 18% và lợi nhuận cũng tăng thêm 24 triệu đồng/ha/năm.
KHÓ KHĂN VỀ TIÊU THỤ
Mô hình trồng rau an toàn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, mà còn đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời nâng cao chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng, làm cơ sở cho sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Song, khó khăn nhất hiện nay là việc tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trần Ô Em cho rằng: “Toàn bộ rau an toàn tôi trồng được chủ vựa bao tiêu với giá cao hơn các loại rau ngoài thị trường khoảng 200 - 300 đồng/kg. Tuy nhiên, hầu hết bà con ở đây bán rau an toàn với giá cũng như rau thường”.
Đầu ra sản phẩm rau an toàn vẫn còn bấp bênh do chưa có điều kiện tiếp cận các siêu thị. Trong tương lai, nếu không có những giải pháp hỗ trợ thì đầu ra của sản phẩm vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Với điều kiện sản xuất và tiêu thụ như hiện nay, để phát triển vùng chuyên canh rau màu cần có sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, nhất là xây dựng vùng nguyên liệu và đầu ra sản phẩm.
Ngành chức năng cần xây dựng các mô hình trồng rau màu an toàn theo hướng VietGAP nhằm nâng cao năng suất, giá trị và lợi nhuận. Thành lập, hỗ trợ và phát huy hiệu quả các tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau màu. Song song đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn hộ trồng màu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn