Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Thủy sản Đại Thắng, rầu rĩ: “Thương lái hỏi mua cá nguyên liệu với giá 19.000 đồng/kg. Nếu đồng ý bán theo giá này, HTX chỉ có lỗ. Hiện HTX còn khoảng 100 tấn cá tra, trong đó cá trên 1kg/con còn nhiều; cá khoảng 800-900g/con đang bị xã viên bỏ đói vì sợ cho ăn tốn tiền mà không bán được”.
Theo ông Nguyễn Văn Tấn (xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), hiện một số DN chấp nhận mua cá tra tại ao với giá khoảng 19.500 đồng/kg kèm điều kiện 20 ngày sau mới trả tiền. Riêng những hộ nuôi cá nhỏ lẻ bị ép giá, chỉ còn 18.000 đồng/kg.
“So với giá thành sản xuất khoảng 27.000-28.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 9.000-10.000 đồng/kg. Lý do là lúc thả nuôi thì cá giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc trị bệnh cho cá đều tăng khá cao; hộ nào nuôi khéo lắm hoặc ít hao hụt thì cũng lỗ 4.000 đồng/kg”, ông Tấn tính toán.
Nguyên nhân “đầu ra” chật vật
Việc nông dân mở rộng diện tích nuôi trong khi 2 thị trường chủ lực Trung Quốc và Mỹ giảm tiêu thụ liên tục từ đầu năm 2019, cùng các tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và rào cản kỹ thuật ở một số nước đã gây ra tình trạng trên. Vấn đề này từng được cảnh báo nhưng rốt cuộc vẫn cứ xảy ra khiến người nuôi lao đao, khổ sở theo con cá tra.
Lịch sử hình thành và phát triển nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đã tạo ra kỳ tích. Con cá tra ĐBSCL đã “bơi” đến gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 90% thị phần cá tra xuất khẩu toàn cầu, đưa Việt Nam đứng đầu thế giới. Ngành kinh tế này có lúc đóng góp khoảng 2% GDP quốc gia, tạo việc làm cho hàng triệu công nhân, người nuôi và lao động phụ trợ. Nhưng đằng sau ánh hào quang “vượt vũ môn” của loài “đế ngư” là cảnh lâm nợ, khốn đốn của nhiều người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan từ thay đổi chính sách nhập khẩu của các nước khiến con cá tra phải chật vật tìm đầu ra, phải kể đến những nguyên nhân chủ quan do chính chúng ta gây ra. Đó là nhiều DN thủy sản có năng lực tài chính yếu, sử dụng chủ yếu vốn vay ngắn hạn nên gặp lúc lãi suất tăng, lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi dẫn đến thua lỗ kéo dài. Nhiều DN thủy sản vừa phất lên, bỗng chốc “lâm bệnh nặng”. Một số chủ DN khởi sự từ mua bán chuyển sang nghề nuôi, chế biến nên không có chuyên môn sâu và không am hiểu đầy đủ luật pháp của các nước nhập khẩu. Chỉ cần một đơn hàng chậm thanh toán hoặc bị hủy thì DN điêu đứng. Thêm nữa là tư duy tiểu nông của người nuôi hiện rõ: mở rộng diện tích quá mức khi được giá.
Những yếu kém, thiếu bền vững của chuỗi giá trị cá tra đã được nhận diện mấy năm qua. Nhiều giải pháp cũng đã được triển khai; từ tăng cường quản lý nhà nước, quy hoạch vùng nuôi, nhà máy chế biến đến tiếp cận cho vay theo chuỗi, thành lập Hiệp hội Cá tra... Tuy nhiên, các giải pháp dường như chưa đủ sức để vực dậy, phát triển bền vững nghề nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra.
Cá tra rớt giá và hiện tượng DN vỡ nợ khiến người nuôi lao đao diễn ra trong thời gian qua là hậu quả của sự thiếu liên kết giữa 3 bên: Nông dân - DN - Ngân hàng.
Sản xuất cá tra, từ “đầu vào” đến “đầu ra”, người nuôi - với tư cách “nhà sản xuất” nhưng không có quyền quyết định đối với sản phẩm của mình làm ra. Do đó, khi cá tra được giá, người nuôi chỉ lãi 10-20%, còn lại 80 - 90% thuộc ngành thức ăn. Thua lỗ thì người nuôi mất trắng.
Sản lượng cá tra vẫn tăng Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong nửa đầu năm 2019 có xu hướng suy yếu sau một năm liên tục tăng nóng: giảm gần 16.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018, giảm gần 10.000 đồng/kg so với đầu năm nay và đang ở mức thấp nhất trong khoảng 10 năm qua. Giá cá tra xuống thấp nhưng sản lượng vẫn tăng khá cao so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, diện tích nuôi cá tra đạt 3.934 ha (tăng 8,9%), sản lượng ước đạt 644.600 tấn (tăng 7,7%) so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn: Đồng Tháp ước đạt 204.900 tấn (tăng 6,4%), An Giang 175.400 tấn (tăng 13%), Cần Thơ 87.900 tấn (tăng 7,5%). |
Bài 2: Cần xây dựng tư duy mới