“Hiện diện” trong Nam, ngoài Bắc
Khoảng 5 năm trở lại đây, nghề sản xuất bánh đa nem của bà con nhân dân xã Thạch Hưng bắt đầu phát triển rầm rộ. Nhờ nghề này, nhiều hộ dân trong xã đã xây được nhà cửa khang trang, nuôi con học hành đến nơi đến chốn...
Công đoạn phơi khô bánh đa nem
Ông Phan Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng cho biết: Người dân Thạch Hưng trước đây có nghề tráng bánh truyền thống nhưng sau khi có người ra Bắc làm ăn rồi mang kinh nghiệm tráng bánh đa nem về bà con chuyển dần sang sản xuất loại bánh này. Cái hay của nghề này là sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không lo ế hàng. Sản phẩm bánh đa nem Thạch Hưng tiêu thụ khắp mọi miền, từ Hà Nội đến Sài Gòn.
Trước đây, sản xuất bánh đa nem chủ yếu theo lối thủ công nhưng nhận thấy tiềm năng của nghề, nhiều người đã đầu tư mua máy tráng bánh. Hiện tại, toàn xã có 12 máy tráng bánh đa nem với gần 90 hộ dân tham gia.
Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất bánh đa nem của anh Phan Văn Thanh (xóm Bình) – một trong những cơ sở đầu tư máy tráng bánh sớm nhất của địa phương. Anh Phan Văn Thanh cho biết, trung bình mỗi ngày, máy tráng được 2 tạ gạo, cho ra lò khoảng 4 vạn bánh. Trừ chi phí, anh Thanh thu nhập hơn 1 triệu đồng mỗi ngày.
Chị Thủy (vợ anh Thanh) cho biết thêm: “Những ngày này, đơn hàng từ Hà Nội nhiều nên hầu như chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi. Nghề tráng bánh đòi hỏi nhiều thời gian, từ công đoạn tráng đến phơi rồi thu gom, phải làm luôn tay. Mệt nhưng bánh được thị trường ưa chuộng nên chúng tôi lấy đó làm động lực để cố gắng”.
Đắt hàng dịp Tết
Thời điểm này, khi Tết Nguyên đán đang đến gần, bánh đa nem Thạch Hưng càng có dịp lên ngôi. Ngày thường, giá chỉ từ 14-15 nghìn đồng/100 bánh nhưng đến thời điểm này đã đội lên 30-40 nghìn đồng. Được giá, các lò tráng bánh đẩy mạnh công suất thêm 20-30% so với ngày thường nhưng vẫn không đủ hàng cung cấp cho thương lái.
Thu gom bánh
Chị Dương Thị Thanh - chủ lò tráng bánh ở thôn Trung Hưng cho hay: “Mỗi máy có khoảng 6-7 chị em tráng thủ công. Trung bình chị tráng 2.000-3.000 bánh mỗi ngày, thu nhập khoảng 250-300 nghìn đồng. Cận tết, chúng tôi sợ nhất là mưa bởi sản phẩm cần phải được phơi nắng. Hễ mưa xuống, nghỉ một ngày là mất cả triệu đồng tiền công”.
Nhận thấy tiềm năng từ nghề này xã Thạch Hưng đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất bánh đa nem. Cùng với sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, chị em tham gia tổ hợp tác được tập huấn kỹ thuật sản xuất, tham quan học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ trong quá trình sản xuất, giao dịch, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký sản xuất… Chị Trần Thị Hoài Thanh - Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ: “Để bánh đa nem Thạch Hưng có chỗ đứng trên thị trường, thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ chị em trong đăng ký thương hiệu. Chỉ có xây dựng thương hiệu thì sản phẩm mới có đầu ra ổn định. Nếu sản xuất theo kiểu manh mún, mạnh ai nấy làm như hiện nay thì rất khó để nghề tồn tại và phát triển bền vững”.
Một trong những vấn đề quan trọng của nghề sản xuất bánh đa nem là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, nghề sản xuất bánh đa nem ở xã Thạch Hưng vẫn đang nằm trong khu dân cư. Công đoạn phơi bánh vẫn được người dân thực hiện dọc các đường làng, ngõ xóm - nơi đông người qua lại, bụi bẩn xen lẫn, rất mất vệ sinh. Thiết nghĩ, địa phương nên sớm quy hoạch vùng sản xuất để phát triển nghề truyền thống, đặc biệt là đưa nghề sản xuất bánh đa nem ra xa khu dân cư nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Theo Phan Trâm/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn