Mấy năm gần đây, rất nhiều DN nhập bò Úc về mổ thịt để bán. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, tiết lộ, bò Úc vận chuyển về Việt Nam thì phí vận chuyển đã chiếm 35% giá thành, đẩy giá thịt bò Việt Nam thuộc diện đắt nhất thế giới.
Tập đoàn của ông Đức cũng đang nhập khẩu khá nhiều thịt bò từ Úc nhưng ông cho rằng, đây là hướng đi không bền vững.
“Nếu không thay đổi, không có chương trình hành động lớn thì Việt Nam vẫn mãi là đất nước nhập siêu bò thịt”, ông Đức nói.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, cho biết, nhập khẩu bò thịt chính ngạch chủ yếu từ thị trường Ấn Độ, Mỹ, Úc vẫn tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, bò thịt còn được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch từ Lào, Campuchia…
Mặc dù vậy, tiêu thụ thịt bò vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu tiêu thụ thịt với mức tiêu dùng thịt bò chỉ khoảng 3,27kg/người/năm, vẫn thấp hơn rất nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Với dân số hơn 90 triệu dân thì thị trường này còn rất nhiều tiềm năng.
Giá thịt bò ở Việt Nam hiện đang đắt nhất thế giới do phải nhập khẩu nhiều
Tuy nhiên, theo ông Tiến, tổ chức sản xuất trong chăn nuôi bò thịt còn nhiều yếu kém, hiệu quả thấp dẫn đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm bò thịt Việt Nam thấp. Sản phẩm không đủ cung ứng và không cạnh tranh nổi trên sân nhà.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cũng thừa nhận, mặc dù thị trường tiêu thụ còn rộng mở, song, việc phát triển ngành chăn nuôi bò trong nước hiện nay còn tồn tại khá nhiều nút thắt.
Nếu được đầu tư bài bản thì thời gian tới sẽ hạn chế được việc nhập khẩu bò thịt từ Úc về Việt Nam
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu chú trọng đầu tư phát triển thì đây là ngành có rất nhiều tiềm năng. Theo đó, ngành chăn nuôi bò sẽ góp phần hạn chế việc nhập khẩu mà còn có cơ hội xuất khẩu thịt bò và sản phẩm sữa.
Ông Uông Đình Hoàng, chuyên gia Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng, Nhà nước cần thường xuyên phổ cập thông tin về hội nhập như các quy định cụ thể của các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP cho doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như xây dựng phương án khi tất cả các loại thuế nhập khẩu bị cắt giảm theo lộ trình.
Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa Hà cho biết, khăn lớn khi đầu tư vào chăn nuôi là đất đai.
Hiện nay, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào ngành chăn nuôi thường gặp khó khăn về đất đai. Việc tiếp cận được nguồn đất đai với quy mô đủ lớn tương đối chật vật, nếu tiếp cận được chi phí để được sử dụng đất khá cao. Nông nghiệp là một ngành đầu tư và thu hồi vốn với thời gian tương đối dài. Do vậy muốn phát triển chăn nuôi, Nhà nước phải quy hoạch vùng chăn nuôi đủ rộng, tại đó các doanh nghiệp có thể thuê đất một cách thuận tiện, dễ dàng hơn, ông Tuấn cho hay.
Ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng, để ngành chăn nuôi bò thịt phát triển được thì phải có sự vào cuộc của Chính phủ, Chính phủ phải quy hoạch lại đúng vào nào để phát triển chăn nuôi, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Đức, nếu để nông dân mà tự làm theo kiểu nhỏ lẻ thì không thể cạnh tranh được, lúc đó nông dân sẽ chết. Còn với doanh nghiệp thì khác, họ có thể đầu tư mua con giống tốt, có thể đi các nước Mỹ, đi Tây… để đem máy móc công nghệ tiên tiến nhất thế giới về, có thể mua các chuyên gia giỏi của nước ngoài. Lúc đó, cộng với nguồn nhân công giá rẻ, bò Việt sẽ không thua kém và có thể cạnh tranh được với bò Úc, Mỹ.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn