Công nhân đang làm việc tại một nhà máy chế biến thủy sản. Ảnh: TL.
Ngày 14-9, tại Bạc Liêu, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ, và tại đây, lãnh đạo ngành nông nghiệp đã đề cập đến việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho con tôm.
Thực ra, trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được việc xây dựng thương hiệu cho con tôm bằng việc đưa ra thị trường những sản phẩm giá trị gia tăng thay vì chỉ tập trung vào mặt hàng tôm bỏ đầu đông lạnh xuất khẩu. Chính giá trị gia tăng là một cách để từng bước xây dựng thương hiệu cho con tôm cũng như nhiều sản phẩm nông sản khác.
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 9 tháng của năm nay, cả nước đã thả nuôi 660.000 héc ta tôm, trong đó chủ yếu là tôm sú với 580.000 héc ta. Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, một trong thế mạnh của tôm Việt Nam là tôm sú. Nhờ được nuôi theo hướng quảng canh nên tôm sú của Việt Nam có kích thước lớn hơn so với tôm các nước khác. Vì thế, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế này để làm ra những sản phẩm giá trị gia tăng cho mặt hàng tôm.
Do đó, đối với nhiều doanh nghiệp, tôm thẻ chân trắng là dùng để chế biến những sản phẩm đơn giản như tôm bỏ đầu, tôm bóc vỏ, còn tôm sú dùng để chế biến những sản phẩm giá trị gia tăng như tôm tẩm bột, tôm cuộn khoai tây… để tạo ra những sản phẩm khác biệt trên thị trường.
Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam nằm trong kế hoạch xây dựng thương hiệu quốc gia cho các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Bộ NN&PTNT trước đó. Ngoài con tôm, Bộ NN&PTNT cũng đã kết hợp với Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) để xây dựng thương hiệu quốc gia cho mặt hàng gạo. Có thể, trong thời gian tới, sẽ có thêm những mặt hàng nông sản khác sẽ được triển khai.
theo Saigon Times
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn