Từ lâu, cam Vinh đã quen thuộc với nhiều người trong và ngoài tỉnh. Còn nhớ rõ, những năm 80 của thế kỷ trước, khi chúng tôi còn đi học trường làng đã thuộc lòng những câu thơ của Phạm Tiến Duật trong bài “Mùa cam”, in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3: “Cam xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào nhà trong”... Hương vị cam quê hương còn đi vào những câu hát trữ tình sâu lắng, như “cam xã Đoài xứ Nghệ, càng chín lại càng thơm” trong ca khúc “Ai vô xứ Nghệ”, nhạc Phạm Tuyên, thơ Huy Cận.
Có thể khẳng định, cam Vinh, với các tên gọi thân quen như cam Xã Đoài, cam Phủ Quỳ, cam Con Cuông... đã nức tiếng xa gần và đi vào không gian tâm tưởng của nhiều thế hệ, nhiều vùng miền. Nhiều người thừa nhận, cam Vinh vừa xứng đáng ở tốp đầu trong sản vật tiêu biểu của Nghệ An, vừa xứng danh là sản phẩm vùng cam ngon hàng đầu so với các vùng cam nổi tiếng cả nước.
Nhưng danh tiếng cam Vinh là vậy, còn lợi ích kinh tế từ trồng cam liệu đã xứng tầm với danh tiếng đó? Câu hỏi này không quá khó, khi nhìn trong bức tranh tổng thể của kinh tế Nghệ An hàng năm, vị trí của cây cam đang vô cùng khiêm tốn...
|
Cam Vinh. Ảnh minh họa: Internet |
Trên cả nước, thị trường tiêu thụ cam đang có nhiều ưu thế, nhưng sức cạnh tranh của quả cam Vinh liệu đã chiếm được ưu thế cần có, xứng đáng có và phải có với danh tiếng cam Vinh đã và đang có? Thực tế buộc chúng ta phải nhìn thẳng, nói thẳng, rằng hiện đang có nhiều vùng cam trong nước thuộc hàng “sinh sau đẻ muộn”. Quy mô và danh tiếng truyền thống còn thua kém xa so với cam Vinh, nhưng sự vào cuộc và nhập cuộc của họ trong thời kỳ hội nhập hiện nay rõ ràng là rộn ràng, ưu thế hơn hẳn cam Vinh.
Gần đây, lễ hội cam Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) được tổ chức khá quy mô, tuyên truyền quảng bá đậm nét, là một trong những sự kiện đáng chú ý. Xung quanh sự kiện này, không ít người có tâm huyết với cam Vinh, trong đó có cả nhà khoa học, nhà quản lý, đều bày tỏ nhiều nỗi niềm, tiếc nuối, về nhiều điều mà chúng ta chưa làm được với quả cam Vinh, với thương hiệu cam Vinh.
Có người cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, một trong những vấn đề quan trọng của các sản phẩm, hàng hóa truyền thống là vấn đề thương hiệu, với cam Vinh cũng vậy. Điều đó không phải bàn cãi. Nhưng với cam Vinh, có lẽ cần có sự khảo sát, đánh giá, nhìn nhận thấu đáo thêm ở nhiều góc độ.
Gần đây, liên quan đến việc tiêu thụ cam Vinh có một số vấn đề khá bức bách, gây khó khăn cho cả người tiêu dùng lẫn người trồng cam.
Thứ nhất, vẫn còn nhiều người biết đến thương hiệu cam Vinh nhưng không biết sự khác biệt của cam Vinh so với các giống, loài cam khác như thế nào.
Thứ hai, nhiều người muốn mua cam Vinh nhưng không biết mua ở đâu, đầu mối nào, cơ sở để xác tín nguồn gốc chính thức của cam Vinh.
Thứ ba, làm gì để ngăn chặn hiện tượng lợi dụng thương hiệu cam Vinh để bán các loại cam khác, nhiều thương lái bán cam giống khác và vùng khác, dưới danh nghĩa cam Vinh.
Thứ tư, không chỉ đưa cam Vinh đến được với người cần cam Vinh, mà cần giới thiệu quảng bá cam Vinh rộng rãi hơn để từ đó đưa cam Vinh phát triển thành cây có múi thế mạnh của tỉnh.
Từ bốn vấn đề nói trên cho thấy, rõ ràng cam Vinh đã có danh tiếng, có thương hiệu, phần nào đã tạo ra nhu cầu tiêu thụ, hưởng thụ cam Vinh tương đối rộng. Thực tế đặt ra là, thương hiệu cam Vinh đã có, nhưng thông tin về thương hiệu cam Vinh còn nhiều điều chưa rõ (chưa cung cấp đầy đủ tính chất, đặc điểm, thông số, chỉ dẫn địa lý... cần thiết về cam Vinh một cách rộng rãi cho người tiêu dùng).
Bên cạnh đó, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu cam Vinh chưa đi đôi với quản lý và phát huy tốt giá trị hàng hóa, nắm cơ hội để khẳng định lợi ích và vị thế kinh tế của cam Vinh. Chưa kịp thời đổi mới và tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị giữa sản xuất và tiêu dùng cam Vinh...
Từ việc này, có người ví cam Vinh giống như cô gái đẹp, đẹp nức tiếng, đến mức có người “mượn danh tiếng” để đi lấy chồng; trong khi, có nhiều người biết, nhiều người mê cô gái đẹp đó, nhưng lại gặp khó trong tìm đường tiếp cận. Vậy là, cô gái đẹp đó vẫn chưa nên duyên nên phận, chưa được “đẹp lòng mình thỏa ý mẹ cha”.
Vì thế, chuyện về phát triển cam Vinh không chỉ là chuyện của người trồng cam, mà còn là câu chuyện của nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh. Vấn đề này cần sự vào cuộc, sự cống hiến trí tuệ, góp ý xây dựng, từ đó, tạo đà cho một cuộc “lột xác”, cuộc đổi mới cách tổ chức, sản xuất, tiêu thụ, nhằm tạo ra vị thế xứng đáng, tương xứng giữa “danh” và “thực”, “danh” và “phận” cho sản phẩm cam Vinh.
Chí Linh Sơn
Nguồn: baonghean.vn