Chính phủ vừa banh hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2/2017, trong đó một nội dung quan trọng được đặt ra là yêu cầu NHNN, Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan hoàn thiện pháp lý để triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC).
Ngoài ra, Chính phủ cũng thống nhất sửa đổi các pháp lý liên quan đến lĩnh vực mở rộng hạn điền, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các tài sản giá trị gắn liền trên đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn vay.
Trong văn bản chính thức phát đi từ Văn phòng Chính phủ, phần liên quan đến việc triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng được thể hiện khá rõ ràng nhưng chưa có quy định cụ thể về mốc thời gian triển khai.
Ảnh minh họa |
Theo đó, tại Nghị quyết tháng 2/2017, Chính phủ giao: “NHNN chỉ đạo các NHTM - chủ lực là các NHTM Nhà nước dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các NH để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường)”.
Song song với chỉ đạo trên, Chính phủ giao thời hạn cụ thể cho Bộ NN&PTNT, đến trước ngày 15/3 phải hoàn thành bộ tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp CNC, danh mục CNC trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu chí xác định nông nghiệp sạch.
Đồng thời Chính phủ cũng yêu cầu ngay trong tháng 3/2017, các bộ ngành cần nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp CNC, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn NH.
Như vậy, có thể hiểu Nghị quyết tháng 2/2017 của Chính phủ hàm ý rất rõ về lộ trình triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp sạch. Theo đó, chỉ khi nào các pháp lý liên quan đến lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất nông nghiệp; các thủ tục về xác định DN nông nghiệp CNC; các ưu đãi khác về thuế đất, thuế nhập khẩu cho DN nông nghiệp được cụ thể hóa hệ thống Ngân hàng mới có thể phối hợp triển khai gói tín dụng cho vay vào lĩnh vực này.
Thực tế hiện nay, mặc dù nhiều NHTM đã sẵn sàng tham gia gói tín dụng 100.000 tỷ đồng như LienVietPostBank đã cam kết 10.000 tỷ đồng, Agribank 50.000 tỷ đồng. NHNN cũng đã họp với nhiều NHTM để bàn về phương án và cơ chế đối với gói tín dụng trên.
Thậm chí, ngay cả trước khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mở rộng gói 50.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng, thì các NHTM cũng đã giải ngân được khoảng 300 tỷ đồng cho vay các dự án nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5% so với lãi suất thông thường. Tuy nhiên, những nút thắt về xác định, định giá tài sản đảm bảo cũng như quy trình công nhận dự án nông nghiệp CNC vẫn khiến các NHTM phải dè dặt khi đầu tư vốn cho các dự án lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn.
Ghi nhận thực tế tại một số địa phương có hoạt động cho vay phát triển nông nghiệp CNC phát triển mạnh như Lâm Đồng, An Giang… cho thấy, từ năm 2012, sau khi Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020, nhiều địa phương đã hình thành các chương trình riêng để phát triển cho vay lĩnh vực này.
Chẳng hạn tại An Giang vào cuối năm 2014, đã khởi động Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp CNC. Theo đó, 9 TCTD ở địa phương đã được giao nhiệm vụ cho vay gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho các DN có dự án được các bộ, ngành phê duyệt.
Hay tại Lâm Đồng, 3-4 năm trở lại đây, các NHTM có tỷ trọng cho vay nông nghiệp lớn như Agribank đã tập trung khá nhiều vốn vào lĩnh vực nông nghiệp CNC. Một số DN (như Langbiang Farm, Đà Lạt GAP…) thậm chí khi làm các thủ tục vay vốn đã được phía NH tính toán cả phần giá trị của nhà kính, kho chứa nông sản vào tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, theo Agribank Lâm Đồng, việc tính toán cả giá trị các tài sản gắn liền với đất nông nghiệp như nhà kính, kho chứa vào giá trị tài sản đảm bảo nợ vay thực chất chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Bởi theo Luật Đất đai 2013 hiện nay thì các tài sản như nhà kính, lán trại chưa được thừa nhận quyền sở hữu, mặc dù giá trị đầu tư của một số công trình có thể lên tới hàng tỷ đồng.
Ở góc độ khác, đại diện VietinBank Đồng Tháp cho rằng, cũng giống như các tài sản gắn liền với đất nông nghiệp như nhà kính, kho chứa, việc thế chấp các tài sản đảm bảo bổ sung như ao cá, lượng cá, tôm dưới ao nuôi (bên cạnh tài sản thế chấp chính là bất động sản sở hữu của DN) cần được quy định cụ thể về cách thức định giá.
Bởi hiện nay, đối với cả các DN vay vốn từ chương trình thí điểm theo chuỗi giá trị nông nghiệp và các DN vay theo chương trình nông nghiệp CNC đều được ưu đãi về lãi suất và tỷ lệ vay tín chấp. Tuy nhiên, bản thân các DN được những địa phương và bộ, ngành chọn làm thí điểm cũng như được xác nhận là DN làm nông nghiệp CNC đều là những công ty lớn, có quan hệ tín dụng lâu dài với các NHTM trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Do vậy, khi chưa triển khai các chương trình ưu đãi cho vay theo các chương trình tín dụng đặc thù họ vẫn được các NHTM cấp hạn mức tín dụng hàng năm. Nay, nếu tiếp tục cho vay vốn theo các chương trình phát triển nông nghiệp CNC hoặc cho vay theo chuỗi có thể sẽ xảy ra hiện tượng xâm lấn hạn mức tín dụng.
Tài sản đảm bảo cho các khoản vay của DN hầu như không tăng lên nhưng các NHTM lại phải gia tăng cho vay theo tỷ lệ tín chấp để tăng cấp vốn cho các chương trình, dự án nông nghiệp. Điều này tạo ra rủi ro rất lớn cho các NHTM, nhất là việc xử lý hậu quả nếu chẳng may trong quá trình vay vốn, các DN làm ăn thua lỗ, phải thanh lý các tài sản thế chấp mà vốn không được pháp lý thừa nhận.
Thạch Bình
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn