Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn là ba thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 72,4% thị phần.
Mặc dù lượng cao su Việt Nam xuất khẩu từ đầu năm đến nay tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước, nhưng do giá giảm hơn 22%, nên kim ngạch vẫn giảm. Dự báo cả năm nay, xuất khẩu cao su cả nước sẽ chỉ đạt kim ngạch khoảng 1,8 tỷ USD.
Giá tiếp tục trồi sụt
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước tính xuất khẩu cao su tháng 7/2015 đạt 98 nghìn tấn với 146 triệu USD. Tính chung7 tháng, xuất khẩu cao su đạt 519 nghìn tấn, kim ngạch đạt 760 triệu USD, tăng 13,6% về lượng nhưng giảm 9,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Giá cao su xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay 1.457 USD/tấn, giảm 22,28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 7 vừa qua, giá cao su tiếp tục trồi sụt thất thường. Nửa đầu tháng, giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp, trong khi đồng Yên tăng so với USD.
Thêm vào đó là sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc và như lo ngại cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp, khiến giá cao su giảm mạnh.
Từ cuối tháng 7 đến nay, giá cao su bước vào giai đoạn tăng nhẹ trở lại nhờ sự phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc và đón nhận thông tin tích cực từ việc Hy Lạp đạt được thỏa thuận với các chủ nợ để ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Trung Quốc vốn là thị trường tiêu thụ chủ lực cao su của Việt Nam, nhưng giao thương với quốc gia này đang biến động thất thường.
Tại các cửa khẩu chính, giao dịch xuất nhập khẩu cao su với Trung Quốc không có sự đồng nhất về giá, vì các doanh nghiệp và thương nhân còn có sự thỏa thuận phí vận tải và cự ly theo từng chuyến để cộng vào giá sản phẩm.
Trong năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su thiên nhiên sang thị trường Trung Quốc đã chuyển đổi hoàn toàn từ sản phẩm sơ chế đóng bánh sang dạng cao su hỗn hợp. Trung Quốc vẫn khuyến khích nhập khẩu loại sản phẩm này với thuế suất thấp, do được đặt trong danh mục nguyên liệu thô.
Nỗ lực phá thế khó
Nhằm giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cao su Việt Nam đang nỗ lực mở rộng sang các thị trường khác.
Trong những năm qua, xuất khẩu cao su sang Ấn Độ tăng đều. Năm 2014, lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 90,89 nghìn tấn, tăng gấp 5 lần so với năm 2010 và 7 tháng đầu năm nay, tăng 65,1% về lượng và 19% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dự báo của Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), nguồn cung cao su thiên nhiên tăng nhanh tại Việt Nam và một số quốc gia khác trên thế giới, đang tiếp tục tạo áp lực làm giá cao su thiên nhiên thấp có thể kéo dài sang nhiều năm tới.
Theo IRSG, tổng nhu cầu tiêu thụ cao su trên thế giới năm 2015 có thể đạt 29,1 triệu tấn và tăng lên 30,3 triệu tấn vào năm 2016.
Trong đó, nhu cầu cao su tổng hợp sẽ tăng từ 16,8 triệu tấn năm 2015 lên 17,5 triệu tấn năm 2016 và đến 2023 là 21,5 triệu tấn; nhu cầu cao su thiên nhiên sẽ đạt 12,3 triệu tấn năm 2015, tăng lên 12,9 triệu tấn năm 2016 và 16,5 triệu tấn năm 2023.
Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) nhận định, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới vẫn ở tình trạng cung vượt cầu. Cao su nguyên liệu còn gặp nhiều khó khăn do giá sụt giảm mạnh với những biến động khó dự đoán liên quan đến giá dầu thô, bất ổn chính trị, tỷ giá...
Bên cạnh đó, mức tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước để chế biến sản phẩm còn ít nên ngành cao su sẽ phải tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu thô khoảng 70% tổng sản lượng cả nước trong nhiều năm tới...
Trước những thách thức trên, ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch VRA cho biết, Hiệp hội đang kiến nghị với Bộ Tài chính không thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cao su.
Việc kê khai thuế này mặc dù sẽ được Nhà nước trả lại, tuy nhiên, thời gian hoàn lại khá lâu, ảnh hưởng đến vốn kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Đồng thời, VRA cũng kiến nghị, miễn tiền thuê đất khoảng 6-7 năm trong thời kỳ cây cao su ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, sau khi có thành phẩm doanh nghiệp sẽ tiếp tục đóng thuế như quy định...
Chu Khôi (vneconomy)