Giá mủ cao su tự nhiên hiện tăng hơn 70% so với đầu năm 2016.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, xuất khẩu (XK) cao su tháng 5/2016 đạt 79.000 tấn với giá trị đạt 189 triệu USD, đưa khối lượng XK cao su 5 tháng đầu năm đạt 391.000 tấn và 561 triệu USD, tăng 20,5% về khối lượng và tăng 19,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trung Quốc và Ấn Độ là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 63,04% thị phần. Giá trị xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc tăng 29,81% nhưng thị trường Ấn Độ giảm 2,27%.
Giá cao su tăng mạnh
Trong quý I năm nay, giá cao su giảm tới 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, giá mủ cao su thành phẩm liên tục tăng mạnh, đến thời điểm này đạt mức 37 - 38 triệu đồng/tấn, tăng tới 70% so với cuối tháng 3/2016. Dù vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2012 khi giá bán cao su trung bình đạt 62,6 triệu đồng/tấn, nhưng giá mủ cao su đang tiến dần về mức trung bình của năm 2014.
Theo Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), có 4 yếu tố đang kích đẩy giá cao su tăng nhanh. Một là, sự tăng giá trở lại của dầu khí trong những tháng đầu năm làm tăng giá thành của cao su nhân tạo, góp phần giúp giá cao su thiên nhiên hồi phục (dầu mỏ là nguyên liệu đầu vào chính cho sản xuất cao su nhân tạo, sản phẩm thay thế của cao su thiên nhiên). Sau khi lao đáy xuống dưới 28 USD/thùng vào cuối tháng 1/2016, từ tháng 2/2016 đến nay, giá dầu mỏ có xu hướng đi lên, đến ngày 10/5 đạt mức 43 USD/thùng.
Thứ hai, do các biện pháp kìm hãm sản lượng khai thác và XK của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su nhiên nhiên (ANRPC). Các nhà sản xuất cao su lớn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đã đồng ý cắt giảm XK khoảng 615.000 tấn cao su trong giai đoạn 6 tháng bắt đầu từ 1/3/2016. Động thái này ngay lập tức tác động tích cực đến giá cao su. Giá cao su RSS 3 ngày 10/3/2016 đã nhích lên 1,60 USD/kg, so với mức 1,23 USD/kg cuối tháng 2 và đến đầu tháng 5 cao su RSS 3 tăng lên 1.706 USD/tấn. Mặt khác, do giá cao su giảm sâu, sản xuất không có lãi nên nhiều nông dân ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam đã ngừng cạo mủ, thậm chí phá bỏ vườn cây. Các doanh nghiệp thì đẩy mạnh thanh lý vườn cây để tái canh, không chủ trương tăng sản lượng.
Ba là, tình trạng hạn hán khốc liệt xảy ra trên diện rộng ở hầu hết các nước trồng cao su ở Đông Nam Á cũng ảnh hưởng nặng đến nguồn cung cao su. Tại Việt Nam, vẫn còn nhiều doanh nghiệp ở khu vực miền Đông Nam Bộ, nhất là khu vực Tây Nguyên, chưa thể vào vụ khai thác do nắng hạn khốc liệt kéo dài. Mặt khác, theo thông lệ hằng năm, trong quý I và đầu quý II, các doanh nghiệp thường ngừng cạo mủ để duy tu bảo dưỡng máy móc, hoặc cạo xả để thông mạch cây và chờ đến tháng 6 mới bắt đầu khai thác trở lại..
Thứ tư, Ấn Độ đang tăng nhập khẩu cao su do ngành cao su thiên nhiên nước này bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán. Dự báo sản lượng cao su của nước này chỉ ở mức 563.000 tấn, so với mức 645.000 tấn năm 2015.
Ngoài các yếu tố chính nêu trên thì diễn biến về lượng cao su tồn kho của các nước tiêu thụ cao su lớn; sự thay đổi của tỷ giá đồng tiền; các biện pháp hỗ trợ nông dân trồng cao su của Chính phủ một số nước… cũng đã cộng hưởng góp phần làm giá cao su tăng trong thời gian qua.
Chưa tận dụng được cơ hội
Mừng vì giá cao su tăng, lợi nhuận trên mỗi tấn mủ khai thác ở mức khá cao, nhưng lãnh đạo của VRA lại tỏ ra nuối tiếc, vì các doanh nghiệp chế biến XK cao su nước ta thời gian qua không biết chớp lấy cơ hội để tăng lượng hàng bán ra thu lợi nhuận. Việc giá bán mủ cao su giảm không phanh mấy năm qua khiến doanh nghiệp trong ngành buộc phải thận trọng. Các doanh nghiệp vẫn phải duy trì chế độ chăm bón tiết kiệm, giảm 40 - 50% lượng phân bón đầu tư so với trước, cùng với chính sách cắt giảm chi phí với người lao động. Điều này dẫn tới tình trạng, khi giá bán mủ cao su tăng mạnh trở lại, các vườn cao su vẫn trong trạng thái “ngủ”, chưa được đánh thức kịp thời để khai thác đáp ứng thị trường.
Báo cáo quý I/2016 của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho thấy, gần như không có số dư hàng tồn kho thành phẩm về cao su. Như vậy, đợt tăng giá trong quý II vừa qua, HAGL có rất ít cao su để bán, đồng nghĩa với việc chưa được hưởng lợi nhờ giá tăng. Số dư tồn kho cao su của hầu hết các DN cao su vào cuối quý I đều không lớn. Tính đến cuối quý I/2016, Công ty CP Cao su Tây Ninh (TRC) có số dư hàng tồn kho thành phẩm trị giá 43,52 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thái Bình, phụ trách công bố thông tin của công ty, cho biết, đến giữa quý II/2016, số dư hàng tồn kho của công ty giảm khoảng một nửa so với thời điểm cuối quý I/2016. Với các công ty cao su khác, tình trạng cũng không mấy khác biệt. Cuối quý I/2016, Cao su Phước Hòa (PHR) là đơn vị có số dư hàng tồn kho thành phẩm lớn nhất, đạt 53,547 tỷ đồng; Cao su Đồng Phú (DPR) tồn kho thành phẩm ít hơn, đạt 28,684 tỷ đồng. Đầu tư Cao su Quảng Nam (VHG) gần như không còn hàng tồn kho thành phẩm cao su, còn Cao su Hòa Bình (HRC) có số dư tồn kho gần 600 triệu đồng.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp ngành cao su “mới thức tỉnh” để khai thác mủ và tăng đầu tư chăm sóc vườn cao su thì e rằng không kịp hưởng lợi. Bởi theo nhận định của các chuyên gia, dự báo trong ngắn hạn, giá cao su vẫn có thể tăng nhẹ so với hiện tại, nhưng rất khó tăng thêm trong triển vọng dài hạn. Hiện tượng tăng giá hiện nay chủ yếu nhờ vào cung giảm nhất thời, yếu tố thiếu bền vững hơn so với việc tăng giá bởi nhu cầu. Ngành sản xuất săm lốp, vốn tiêu thụ khoảng 70% sản lượng cao su thiên nhiên, đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Cùng với đó, nỗi lo về nguy cơ “hạ cánh cứng” của kinh tế Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất - đang đe dọa sự bền vững của đợt tăng giá này. Trong khi đó, sản lượng khai thác trên thế giới chắc chắn sẽ tăng mạnh trở lại kể từ tháng 5/2016, khi các nước chính thức bước vào mùa thu hoạch mủ. Về lượng cao su XK, biện pháp cắt giảm 615.000 tấn của ITRC sẽ chấm dứt vào tháng 8/2016. Khi đó cán cân cung - cầu sẽ có sự chênh về nguồn cung, khiến giá cao su có thể bị đảo chiều. Việc 3 nước này có tiếp tục tung ra một “gói cắt giảm” nữa hay không và với số lượng bao nhiêu, sẽ tùy thuộc vào diễn biến thị trường và giá cao su.
Chu Khôi
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn