Trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, chăn nuôi được xác định là một trong những mũi đột phá. Hiện cả tỉnh có 292 trang trại và hàng trăm nghìn hộ nuôi lợn, với tổng đàn gần 900.000 con, trong đó trang trại lợn thịt là 198. Để hạn chế dư thừa nguồn cung về lợn, bên cạnh chú trọng dịch vụ đầu vào thì vấn đề quan trọng phải tính đến đảm bảo đầu ra ổn định. Sản xuất sạch và tăng chuỗi giá trị trong chăn nuôi lợn đang là bài toán cần các cấp, ngành và người chăn nuôi chung sức giải đáp.
Nhận diện đúng quy trình nuôi lợn
Hiện nhiều gia đình ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc... đang phải giết mổ thủ công lợn để “giải cứu” lợn tại làng, tại gia. Đây là một biện pháp tình thế trong thời buổi khó khăn, cho dù Trung Quốc đã thu mua trở lại với số lượng ít. Các ngành, các cấp ở Trung ương đã có một số động thái về việc “giải cứu” lợn nhưng ở các địa phương lại chưa có nhiều động tĩnh. Một số lãnh đạo địa phương khi được hỏi đều nói “bó tay”.
Thịt lợn được bán tại chợ Cần, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên). Ảnh: Thanh Tâm |
Hiện hầu hết các trang trại đều đang thế chấp bìa đất để vay vốn và lãi mẹ đẻ lãi con. Ông Trần Quốc Trung - Chủ tịch Hội trang trại ở huyện Hưng Nguyên cho rằng, hiện ông đang dốc tìm mọi nguồn vốn trong gia đình cũng như vay mượn để duy trì đàn lợn 500 con ăn từng ngày, trong khi việc giết mổ từng con là không thể, bởi mỗi lần vào chuồng là phải sát trùng mất nhiều thời gian, chi phí sát trùng hết 500.000 đồng. Trong khi bán một con lợn đã lỗ cả triệu đồng nên ông phải tìm mối bán 50 con, 100 con...
Trên cả nước, các doanh nghiệp chế biến cũng còn nhiều hạn chế cả về năng lực giết mổ, cấp đông và chế biến đa dạng hóa sản phẩm thịt lợn, trong khi thị trường nước ngoài tăng cường giám sát chất lượng và hạn chế nhập khẩu lợn sống tiểu ngạch. Ở Nghệ An, thịt lợn chủ yếu đang bán ở các chợ và khó hoặc chưa vào được các siêu thị. Việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn sạch để người sử dụng yên tâm cũng chưa thực hiện được.
Thực tế cho thấy, chăn nuôi lợn và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác chỉ bảo đảm sự bền vững và hiệu quả khi được tổ chức thành chuỗi liên kết từ sản xuất thức ăn, con giống, tới thu mua, vận chuyển và chế biến. Chuỗi giá trị đó làm sao phải được kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm lợn của Nghệ An cần được xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn của các doanh nghiệp thu mua chế biến trong nước và của các nước nhập khẩu. Nếu xuất hiện chuỗi giá trị trong chăn nuôi lợn, như có nhà bao tiêu sản phẩm, nhà máy chế biến, xuất khẩu thì gần 1 triệu con lợn của Nghệ An và cả gần 800.000 con trâu, bò có tương lai tươi sáng hơn.
Bên cạnh việc chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch chi tiết cho các vùng phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp với quy hoạch nông nghiệp tổng thể. Cùng đó, tỉnh cũng cần có chính sách thoả đáng nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện pháp lý thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tăng cường liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi trong tất cả các khâu đoạn. Các doanh nghiệp phải đảm nhiệm vai trò là đầu kéo, tổ chức sản xuất, cung ứng tiến bộ KHKT và phát triển thị trường tiêu thụ.
Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT, các công ty, doanh nghiệp cần chú trọng ưu tiên phát triển chăn nuôi gia công ở những khu vực không có lợi thế trồng trọt như đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng, năng suất cây trồng thấp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân hữu cơ từ chăn nuôi cho cây trồng để tăng năng suất cây trồng, đồng thời thúc đẩy hình thành hệ thống cây trồng - vật nuôi mới. Và để liên kết này mang lại lợi nhuận lâu dài cho người chăn nuôi thì chủ trang trại phải nghiêm túc thực hiện quy trình chăn nuôi do các công ty, doanh nghiệp đề ra trong sử dụng hiệu quả thức ăn, vật tư được cung cấp và hạn chế tối đa dịch bệnh… Chỉ có như vậy thì chăn nuôi gia công mới trở thành hướng phát triển kinh tế vững chắc, đồng thời là động lực thúc đẩy chăn nuôi quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phun thuốc khử trùng các phương tiện khi vào trang trại. Ảnh: Phú Hương |
Chủ động các giải pháp nâng cao giá trị chăn nuôi
Thời gian qua, nhiều người tiêu dùng thường có nghi ngờ về chất lượng thịt lợn trên thị trường, họ thường về quê tìm mua lợn sạch hoặc mua thịt khi biết rõ nguồn gốc. Lợn vỉa hè của những nông dân Thanh Chương, Nam Đàn, Con Cuông... đưa xuống phần nào đã chiếm lĩnh thị trường thành phố khiến cho thịt lợn trong các chợ bị đe dọa. Những cụm từ như siêu nạc, siêu nở... được nhiều người đặt câu hỏi.
Dự án Cạnh tranh chăn nuôi và An toàn thực phẩm tỉnh (LIFSAP) do Bộ NN&PTNT triển khai tại Nghệ An từ năm 2010, với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi thông qua nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo hướng chăn nuôi sạch từ trang trại đến bàn ăn cũng đã thực hiện.
Sau 5 năm, đến nay trên địa bàn Nghệ An đã thành lập được 4 vùng thực hành chăn nuôi tốt (GAHP), với 10 điểm GAHP, 30 nhóm gồm 599 hộ tham gia. Dự án đã đầu tư trang thiết bị, hàng hóa và tập huấn kiến thức cho các hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh thực phẩm, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y, hỗ trợ nâng cấp 4 cơ sở giết mổ tập trung tại: xã Nam Nghĩa (Nam Đàn), xã Hợp Thành (Yên Thành), xã Nghi Đồng (Nghi Lộc) và xã Diễn Thọ (Diễn Châu). Đồng thời hỗ trợ nâng cấp 16 cơ sở giết mổ nhỏ. Bên cạnh đó, dự án còn thực hiện cải tạo nâng cấp và bàn giao đưa vào sử dụng 41 chợ thực phẩm tươi sống. Dự án còn đầu tư nâng cấp 14 chợ thực phẩm, nâng cấp chợ buôn bán trâu, bò như chợ Ú Đô Lương.... Đây là những tín hiệu tốt trong cải thiện chất lượng nguồn cung về lợn, tạo ấn tượng tốt đối với người tiêu dùng trên địa bàn. Tuy nhiên, sự lan tỏa của dự án chưa được phát huy mạnh mẽ ở các địa phương.
Lứa lợn gần xuất chuồng của gia đình bà Hằng, xóm 15B, xã Nghi Kiều (Nghi Lộc). |
Để tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế trong chăn nuôi theo hướng an toàn vệ sinh dịch bệnh, các chủ trang trại sớm nhận thức được gốc rễ nguyên nhân để cải thiện chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm thịt ngon, thơm, thu hút người tiêu dùng.
Hiện nay đã có một số nhà máy cử các kỹ sư xuống địa bàn hướng dẫn nông dân chăn nuôi lợn theo phương pháp sinh học, sử dụng men vi sinh ủ chua thức ăn, tận dụng phụ phẩm thức ăn trong mùa vụ như ngô, sắn, khoai, hạn chế thức ăn công nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Nhà máy thức ăn chăn nuôi Con heo vàng cho biết, với phương pháp ủ chua thức ăn bằng men vi sinh, nhà nông tiết kiệm được gần 1/2 chi phí thức ăn, đồng thời cho ra sản phẩm thịt thơm ngon, bởi lợn được ăn thức ăn tự nhiên, giảm thức ăn công nghiệp.
Về tổng thể, chăn nuôi bền vững cần có những giải pháp điều tiết từ vĩ mô, trong đó cải thiện từ khâu giống, thức ăn và giá thành chăn nuôi, chất lượng thịt và đầu ra. Chính phủ, các bộ, ngành sớm điều tiết nguồn cung khi hội nhập, không để thua trên sân nhà như hiện nay.
Về phía địa phương, tiến sỹ kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm: Nghệ An là tỉnh rộng lớn nhất của cả nước, ngành chăn nuôi ngày càng phát triển thì càng cần nắm bắt thông tin tổng thể trên cả nước cũng như thông tin hội nhập, phát triển chăn nuôi gắn với dự báo và yêu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cùng đó, tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành từ giống, thức ăn, thuốc thú y, nâng cao năng suất, chất lượng và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi. Để làm được như vậy, cần chủ động rà soát, điều chỉnh về quy mô và cơ cấu đàn lợn, chú trọng chất lượng đàn giống, phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường; tổ chức tốt các chương trình kết nối, ký kết các hợp đồng thu mua chế biến, cấp đông với các doanh nghiệp trong nước.
Trong thu hút đầu tư cũng tránh ồ ạt, cân đối giữa chăn nuôi hiện đại và truyền thống của địa phương. Lý thuyết là vậy, nhưng để áp dụng vào thực tế, người chăn nuôi rất cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong chặng đường tới.
Châu Lan - Phú Hương /baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn