Khó tính cũng "vào" được
Thông tin do Thương vụ Việt Nam tại Australia mang về lại một lần nữa khiến bà con nông dân “khấp khởi” vui mừng. Đó là Chính phủ Australia đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để cấp giấy phép NK cho xoài Việt Nam, đồng thời khởi động quá trình xem xét cho quả thanh long Việt Nam được xuất sang thị trường này. Nếu 2 loại trái cây này được cấp phép thì Việt Nam sẽ có 3 loại nông sản được Australia cho phép NK, sau mặt hàng vải tươi.
Không chỉ Australia, một số thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã chấp nhận cho thanh long, nhãn, chôm chôm của Việt Nam được XK sang nước họ. Dù số lượng XK chưa nhiều nhưng đây là minh chứng cho việc hàng Việt đã thâm nhập được vào những thị trường không hề dễ tính.
Để có được “tấm vé” sang những thị trường này, có một phần công sức của các cơ quan chức năng. Ví dụ như việc đưa vải, nhãn sang Australia, Mỹ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phải trải qua quá trình đàm phán rất khó khăn và kéo dài tới 12 năm. Hoặc thời gian gần đây, các chương trình Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị nước ngoài cũng giúp cho hàng hóa Việt Nam có tiếng nói hơn. XK được là tốt song với một nước giàu tiềm năng về nông sản như Việt Nam thì con số này còn quá ít. Hàng nông sản đi Mỹ, Nhật… còn khá khiêm tốn và chủ yếu được bán tại các siêu thị ngoại. Nguyên nhân là bởi các thị trường khó tính yêu cầu rất nghiêm ngặt về kiểm dịch, an toàn thực phẩm. Đây là những trở ngại lớn nhất mà DN Việt không dễ gì vượt qua được.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận, thông thường với các thị trường chặt chẽ, khó tính, một quy trình để làm thủ tục, đưa một mặt hàng mới, đặc biệt là rau quả thâm nhập thành công vào thị trường này sẽ mất 5- 8 năm, hoặc lâu hơn. “Vì vậy, chúng ta không thể hy vọng trong 1-2 năm tới có kim ngạch XK lớn của quả vải vào Mỹ, Austrlia cũng như EU những năm tới", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Chất lượng hóa giải mọi vấn đề
Ông Đặng Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, trên thực tế các DN XK của Việt Nam chủ yếu làm gia công, nên không thể khẳng định được thương hiệu. “Nếu không thay đổi, thực trạng này sẽ khiến các DN Việt cứ mãi bị lu mờ trên thị trường thế giới”, ông Hải nói. Một khảo sát về hàng Việt tại nước ngoài của ông Nguyễn Quốc Thịnh, Bộ môn Quản trị thương hiệu (Trường Đại học Thương mại) cho thấy, khi hỏi người tiêu dùng nước ngoài có biết về sản phẩm của Việt Nam không, họ đều lắc đầu. Người nước ngoài chủ yếu biết đến 2 thứ của Việt Nam là Phở 24 và Vinacafe, còn bao nhiêu sản phẩm XK khác người ta ít biết đến.
Do vậy, dù mới bước đầu đưa được số lượng khiêm tốn những “đặc sản” của Việt Nam sang Mỹ, Nhật, Australia, EU nhưng vấn đề chất lượng vẫn được các chuyên gia cũng như DN có kinh nghiệm XK đặt lên hàng đầu. Thực tế đã chứng minh, EU, Mỹ rất ưa chuộng hàng thủy sản của Việt Nam và NK rất nhiều song vẫn có không ít vụ việc hàng hóa bị trả về do không đáp ứng yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hay có dư lượng kháng sinh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ XK của ngành thủy sản mà còn làm cho hình ảnh Việt Nam bị xấu đi trong mắt các nhà NK nước ngoài.
Có kinh nghiệm đưa hàng vào hệ thống phân phối ở nước ngoài, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Mỹ nghệ Thăng Long cho hay, mỗi mặt hàng khi bước chân vào hệ thống phân phối ở nước ngoài đều phải đáp ứng những tiêu chí cụ thể. DN phải thường xuyên cập nhật những tiêu chí đó để đưa ra những sản phẩm phù hợp với yêu cầu của họ. Thời gian qua, mặc dù cơ quan quản lý cũng đã nỗ lực trong việc hỗ trợ DN về mặt chính sách, cơ chế… song điều quan trọng vẫn phải ở sự nỗ lực của bản thân mỗi DN. “Bất cứ một mặt hàng nào cũng vậy, muốn đặt chân được vào hệ thống phân phối nước ngoài, DN Việt cần phải chứng minh được rõ nguồn gốc, xuất xứ, có bao bì rõ ràng của sản phẩm đó… Điều quan trọng là các DN phải đảm bảo được chất lượng khi XK, vì ở đâu cũng vậy, muốn có được một thị trường ổn định, chỉ còn cách là chúng ta phải thường xuyên nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa”, ông Tuấn nhận định.
Đứng trên cương vị đơn vị NK hàng hóa, ông Jacques Fourvel, Cố vấn Chủ tịch Tập đoàn Casino (Pháp) cũng lưu ý, các DN cần nắm rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, về môi trường của Liên minh châu Âu bởi pháp luật của các nước thuộc Liên minh châu Âu khá tương đồng và khắt khe. Nếu các DN Việt nắm rõ và tuân thủ các quy định khi đưa hàng hóa sang thị trường này thì cũng sẽ dễ dàng đưa được hàng hóa sang nhiều thị trường khác.