Cam Cao Phong, nước mắm Phú Quốc… là hai trong số các sản phẩm địa phương đã được nhận chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Giá trị mang lại cho nông sản này là rất lớn, không chỉ là tiền mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây khi đến một vùng đất khác, một quốc gia khác. Vì nhắc đến các sản phẩm này, đồng nghĩa là nhắc đến chính địa phương nơi sản sinh ra những sản phẩm địa phương. Đây cũng chính là giá trị vô hình mà CDĐL mang lại.
Chỉ dẫn địa lý giúp cam Cao Phong nâng cao giá trị sản phẩm |
Tại vựa cam Cao Phong, người dân nơi đây tự hào kể, trước khi có được CDĐL, mỗi kg cam Cao Phong bán chưa tới 10.000 đồng. Thế nhưng, sau khi có CDĐL, trung bình mỗi kg cam tăng gấp đôi, thậm chí một số loại giá còn cao hơn. Hiệu quả kinh tế trên 1 ha trồng cam trước đây chỉ đạt 250 triệu đồng, nay lên đến 700 triệu đồng.
Hay đối với chả mực Hạ Long, với quy mô 23 cơ sở chế biến với khối lượng 1.830 kg/ngày, so với trước khi có CDĐL thì giá bán tăng từ 13-17%, sức tiêu thụ tăng 33-50%, tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân nơi đây.
Theo các chuyên gia, với các đặc sản địa phương khi có CDĐL mang lại những lợi ích to lớn. Theo đó, sẽ giúp giá bán cao và ít biến động, hỗ trợ sản xuất nhỏ không đủ điều kiện để xây dựng thương hiệu riêng trong cơ chế hội nhập.
Đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị di sản vật thể, phi vật thể, đa dạng sinh học của Việt Nam; giúp người tiêu dùng nhận dạng được các sản phẩm đặc sản. Bên cạnh đó, giá trị của CDĐL còn là tài sản công của địa phương mà các tác nhân có thể chia sẻ, hỗ trợ du lịch làng nghề, du lịch nông thôn phát triển. Và trong bối cảnh hội nhập thì đây cũng là một yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Bùi Kim Đồng – chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp nêu quan điểm, hiệu ứng kinh tế từ việc xây dựng CDĐL cho đặc sản vùng miền ở Việt Nam đã thấy rõ. Vì vậy, khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều loại đặc sản đã được xây dựng CDĐL. Theo đó, từ chỗ chỉ có 26 sản phẩm, nay đã có 60 sản phẩm được CDĐL ở Việt Nam (quả các loại chiếm 45%, gạo các loại 12%, còn lại là sản phẩm dược liệu, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp...).
Mặc dù các địa phương đã và đang nỗ lực trong việc xây dựng CDĐL cho sản phẩm của địa phương mình. Tuy nhiên, ông Bùi Kim Đồng đánh giá, so với thị trường CDĐL của thế giới với trên 10.000 sản phẩm có hiệu quả kinh tế, thị trường CDĐL ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Song, vấn đề không nằm ở chỗ tăng tốc cho "cuộc đua" xây dựng CDĐL mà cần khắc phục một số điểm yếu. Cụ thể, việc thương mại hóa các CDĐL này còn chưa được như mong muốn; yếu tố kiểm soát chất lượng hầu như còn bỏ ngỏ. Trong bối cảnh đó, các nỗ lực xây dựng CDĐL có thể dễ dàng bị qua mặt bởi sản phẩm giả, nhái.
Ở một khía cạnh khác, đó là có những sản phẩm trong thời gian vừa qua đã xây dựng được thương hiệu, nhưng việc chưa hoặc chậm xây dựng CDĐL đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm. Và câu chuyện “nhập nhèm” thương hiệu tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) thời gian vừa qua là một ví dụ điển hình.
Từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện hàng chục trường hợp tỏi từ các nơi khác được vận chuyển ngược ra "vương quốc" tỏi Lý Sơn. Tình trạng tỏi giả, tỏi kém chất lượng đang ồ ạt tuồn về "đảo tỏi" Lý Sơn khiến thương hiệu bị đe dọa nghiêm trọng.
Là một DN kinh doanh trong lĩnh vực tỏi đen, ông Trần Minh Quang – Giám đốc Công ty tỏi đen IMV cũng thừa nhận, trước đây nguồn nguyên liệu chính của công ty là tỏi Lý Sơn. Lý Sơn là quê hương của tỏi Việt. Tuy nhiên, Lý Sơn quá nhỏ và điều kiện thời tiết không được tốt, bão quanh năm. Do đó, để đảm bảo nguồn nguyên liệu, sắp tới công ty cũng sẽ thay đổi kế hoạch. Theo đó, định hướng của công ty là thực hiện việc nuôi cấy mô lấy tỏi Lý Sơn ra trồng trong đất liền như Bình Thuận, An Giang... để tăng năng suất.
Có một thực tế là hiện tỏi Lý Sơn mới dừng ở mức là công nhận nhãn hiệu. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì lo phần ngọn là đi ngăn chặn tỏi khác vận chuyển ra đảo, giả thương hiệu, huyện Lý Sơn phải làm từ gốc đó là xây dựng CDĐL. Và việc này cần phải làm nhanh, làm gấp chứ đừng để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Khẳng định vai trò cũng như ý nghĩa to lớn của CDĐL, và để tăng tính kết nối các CDĐL của Việt Nam với thị trường thế giới, ông Bùi Kim Đồng cho rằng, cần tập trung giải mã được nhu cầu đích thực của khách hàng và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tạo và chia sẻ giá trị ngay ở các khâu trong chuỗi giá trị một cách hợp lý. Đồng thời, bảo đảm khâu hậu cần logistics, có được chiến lược truyền thông và thông tin, quảng bá sản phẩm. Và yếu tố cuối cùng đó là xây dựng được mối quan hệ bền chặt trong chuỗi theo hướng hợp đồng phải căn cứ vào tiêu chuẩn chất lượng.
Hồng Hạnh/thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn