Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu 10% lên tất cả các sản phẩm thủy sản Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mới đây đã khiến ngành thương mại thủy sản của hai nước có nhiều biến động.
Cá rô phi Trung Quốc có thể biến mất tại Mỹ
Theo một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL, doanh số tiêu thụ cá rô phi Trung Quốc tại các siêu thị Mỹ đã giảm 20 – 30% trong tháng qua. Tranh thủ cơ hội này, nhiều nguồn cung đã đẩy mạnh xuất khẩu cá thịt trắng sang Mỹ để giành giật thị phần.
Ông Dan Fusco, Chủ tịch Công ty Thương mại Thực phẩm Toàn cầu, một nhà nhập khẩu và phân phối cá đông lạnh cho các nhà phân phối bán buôn tại Mỹ cho biết, công ty không thể tiếp nhận chi phí thuế nếu họ phải trả nhiều tiền hơn cho cá rô phi. Do đó, doanh nghiệp này sẽ tăng giá bán đối với sản phẩm cá rô phi.
Nhập khẩu cá rô phi Trung Quốc vào Mỹ đã tăng trưởng mạnh trong thập kỷ qua. Sản phẩm này gần như phủ khắp các nhà hàng, siêu thị Mỹ vì giá rẻ, hương vị nhẹ, chất lượng đáp ứng yêu cầu của Mỹ. Thế nhưng, với việc Mỹ áp thuế 10% đối với thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc, các chuyên gia nhận định, ngành cá rô phi tại Mỹ có thể sắp kết thúc.
Theo dữ liệu từ Urner Barry, một công ty nghiên cứu cho ngành công nghiệp thực phẩm, hiện Mỹ nhập khẩu hơn 80% philê cá rô phi đông lạnh từ Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu tính đến tháng 5.2018 lên tới 82,4 triệu USD.
Bị áp thuế nhập khẩu 10% có thể khiến sản phẩm cá rô Trung Quốc biến mất khỏi Mỹ.
Mặc dù Mỹ nhập khẩu hầu hết cá rô phi tươi từ châu Mỹ Latinh, tuy nhiên, các sản phẩm đông lạnh có giá thấp hơn nên đã thu hút nhiều doanh nghiệp. Hơn nữa, do Mỹ thiếu các nhà máy chế biến cá rô phi, nhiều chuyên gia cho rằng, các công ty không có sự thay thế dễ dàng nếu nguồn cung của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn.
Theo thống kê của Cục Nghề cá biển Quốc gia (NMFS), năm 2017, cá rô phi nhập khẩu vào Mỹ đứng đầu danh sách cả về khối lượng, khoảng 133.700 tấn, đạt giá trị 426,4 triệu USD. Trong đó, cá rô phi Trung Quốc chiếm 75% lượng cá rô phi nhập khẩu của Mỹ.
Cá rô phi Trung Quốc cũng chi phối phần lớn thị phần cá thịt trắng nhập khẩu của Mỹ trong nhiều năm qua. Năm 2017, cá rô phi Trung Quốc chiếm gần 45% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ, trong khi cá tra, basa chỉ chiếm gần 25%.
Với những dữ liệu này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, sự sụt giảm tỷ trọng của cá rô phi tại thị trường Mỹ đang “thắp” lên niềm hi vọng cho các nhà cung cấp cá rô phi khác như Indonesia, Đài Loan, Mexico hay Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ, thay thế thị phần cá rô phi Trung Quốc đang teo tóp dần vì thuế nhập khẩu cao.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội giúp cho cá tra Việt Nam củng cố thêm niềm tin giành thị phần từ cá rô phi Trung Quốc trong bối cảnh khó khăn về thuế chống bán phá giá và rào cản kỹ thuật Chương trình thanh tra cá da trơn tại Mỹ.
Theo VASEP, trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị nhập khẩu cá rô phi của Mỹ đạt 264,6 triệu USD, trong khi tổng giá trị nhập khẩu cá tra từ Việt Nam đạt 154,4 triệu USD. Nếu mức thuế nhập khẩu cho cá rô phi Trung Quốc áp cao hơn so với cá tra Việt Nam thì 6 tháng cuối năm nhiều khả năng cá tra sẽ giành thêm thị phần từ nguồn cung này.
Có dễ “ăn”?
Dù được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn nhưng theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam, rào cản thương mại của Mỹ đang dựng lên cho các nguồn cung là như nhau và chỉ khác nhau về cách thức và “tên gọi”. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải nhìn nhận vào thực tế thị trường, tranh thủ thời cơ nhưng cũng không quá kỳ vọng vào cuộc chiến tranh đó.
Hiện, Việt Nam cũng chỉ có 3 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có Vĩnh Hoàn (VHC). Về mặt thị trường, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của VHC, chiếm hơn 64% tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018.
Với việc áp thuế chống bán phá giá cao (2,39 - 7,74 USD/kg) sau kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) của Bộ Thương mại Mỹ, hiện chỉ có 14 doanh nghiệp có thể tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, nhờ mức thuế suất 0%, Vĩnh Hoàn có nhiều lợi thế hơn. Ước tính, VHC chiếm tới gần 60% thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2017/2018. Nguồn: VASEP.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – Tổng Giám đốc Vĩnh Hoàn, cho biết, các rào cản về kỹ thuật, thời gian lưu kho, vận chuyển… theo như yêu cầu của Cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) trong chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ có hiệu lực từ đầu tháng 8.2017 đã khiến việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ khó khăn hơn.
Do phải gánh thêm các chi phí cho việc kiểm tra chất lượng sản phẩm theo quy định của FSIS, giá cá tra xuất khẩu vào thị trường này đã tăng nhiều từ giữa năm 2017. Giá tăng đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh của cá da trơn Việt Nam cũng giảm nhiều.
Còn theo ông Hàng Văn – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), trên danh nghĩa có hơn chục doanh nghiệp được phép xuất khẩu cá tra vào Mỹ nhưng trên thực tế, mức thuế chống bán phá giá quá cao, lại thêm việc kiểm tra gay gắt, kéo dài khiến chi phí lưu kho, chi phí vận chuyển đội lên, hầu hết các doanh nghiệp không chịu nổi, phải bỏ thị trường.
Theo VASEP, tính đến hết tháng 6.2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 196,8 triệu USD, chiếm 19,6% tổng xuất khẩu cá tra và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ vẫn còn đang chờ đợi thêm tín hiệu từ thị trường để có những bước đi trong thời gian tới. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn