Khâu đột phá để ngành chè Việt Nam phát triển bền vững lại không nằm ở kỹ thuật mà phải làm từ khâu tổ chức.
Khâu đột phá để ngành chè Việt Nam phát triển bền vững lại không nằm ở kỹ thuật mà phải làm từ khâu tổ chức.
Hiện nay, chè được trồng ở 34 tỉnh thành cả nước với diện tích khoảng 125.000 ha, thu hút khoảng 3 triệu lao động tham gia. Tuy nhiên, giá trị của ngành hiện còn thấp chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm, một con số rất khiêm tốn so với xuất khẩu hồ tiêu.
Quá nhiều… nghịch lý
Thực tế trên cũng cho thấy ngành chè Việt Nam đang tồn tại quá nhiều vấn đề: từ giống, tuổi vườn chè, vệ sinh an toàn thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, rồi cả cơ giới, thu hoạch. Đó cũng chính là yếu tố trì hoãn kéo toàn bộ chuỗi giá trị cho chè Việt Nam xuống thấp nhất. Cụ thể: hiện có khoảng 90% sản lượng chè xuất khẩu của nước ta vẫn ở dạng nguyên liệu thô, chưa qua chế biến nên giá trị tăng thấp. Bên cạnh đó, chất lượng của sản phẩm chè xuất khẩu chưa cao, do đó giá trị xuất khẩu thấp hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới có thể giúp cho việc xuất khẩu trở nên dễ dàng hơn do các hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ, nhưng đồng thời lại bị hạn chế bởi việc xuất hiện thêm nhiều hàng rào kỹ thuật khắt khe, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản.
Vậy câu hỏi đặt ra, tại sao với một ngành hàng có nhiều tiềm năng phát triển như vậy, nhưng đến nay vẫn còn hàng loạt điểm yếu? Bởi lẽ, thứ nhất, nhiều chính sách đưa ra không được thực hiện trong khi vẫn thiếu các quy chế đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất và chế biến chè. Thứ hai, cơ chế của ngành chè hiện nay đang phát triển theo hướng làm cái mình có thay vì làm cái thị trường cần. Việt Nam mới hăng hái phát triển thị phần mà chưa quan tâm đầy đủ đến thị hiếu của thị trường.
Thứ ba, việc cấp phép kinh doanh chè cũng đang diễn ra tràn lan nên số lượng nhà máy chè mọc lên như nấm với 455 nhà máy và hơn200 đầu mối xuất khẩu, mỗi cơ sở chỉ xuất khẩu được 500 tấn/năm, điều này đi ngược với xu thế sản xuất công nghiệp tập trung. Có một nghịch lý là Việt Nam có sản lượng chè đứng thứ 5 thế giới nhưng giá trị xuất khẩu lại chỉ đứng thứ 10. Trong khi chúng ta xuất khẩu chè với giá 1,45 USD/kg thì nhiều nước châu Âu nhập khẩu chè về rồi xuất khẩu với giá gần 10 USD/kg.
Thứ tư, Việt Nam đang đánh giá chất lượng chè bằng mắt thường và điều này là không chính xác. Chất lượng chè phải được đánh giá bằng máy móc với các con số khoa học cụ thể. Việc số lượng nhà máy chế biến chè tăng nhanh dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến, họ sẵn sàng mua nguyên liệu với bất kỳ chất lượng nào khiến người dân không muốn cố gắng sản xuất sản phẩm chất lượng tốt hơn nên chất lượng sản phẩm ngày một giảm, đồng nghĩa với đó là thu nhập của nông dân đi xuống, do đó thiếu đầu tư cho mở rộng sản xuất dẫn đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế thấp.
Bởi thiếu cơ chế
Trên thực tế, đã có rất nhiều cuộc hội thảo bàn về nguyên nhân và giải pháp để nâng cao vị thế của ngành chè, trên cơ sở đó đề ra Đề án Tái cơ cấu ngành chè. Tuy nhiên, khâu đột phá để ngành chè phát triển bền vững lại không nằm ở kỹ thuật, bởi nếu chúng ta chỉ quan tâm xử lý từng khâu thì sẽ không đi đến đâu mà, phải làm từ khâu tổ chức, mọi người có được động lực, ai làm tốt thì được thưởng, ai làm không tốt thì bị phạt và hình phạt cao nhất là bị loại khỏi chuỗi giá trị. Ngành chè phải theo hướng thị trường, phát triển sản xuất chè dựa trên lợi thế từng vùng và có cơ chế hỗ trợ tài chính với người trồng chè và xuất khẩu chè.
Thực tế hiện nay, cái khó khăn nhất của ngành chè là do quan hệ sản xuất chưa phù hợp, do đó cần tổ chức nông dân theo hình thức hợp tác xã hoặc hội sản xuất và gắn két nông dân với doanh nghiệp để xây dựng một chuỗi ngành hàng chuyên nghiệp. Vì vậy, việc nhanh chóng thúc đẩy thành lập Ban điều phối ngành hàng chè được kỳ vọng là “chìa khóa” thay đổi quan hệ sản xuất, nâng vị thế của người nông dân. Theo đó, Ban điều phối sẽ có sự tham gia của nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài và các cơ quan quản lý nhà nước theo tỷ lệ công - tư: 50-50.
Bên cạnh đó, điều đáng buồn với ngành chè Việt Nam là những doanh nghiệp nào không đầu tư vùng nguyên liệu vẫn hoạt động có hiệu quả. Ngược lại, doanh nghiệp nào đầu tư cho nông dân càng lớn thì thua lỗ càng sâu. Tuy nhiên, ngành chè vẫn còn một số điểm sáng thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Kon Tum, Phú Thọ do địa phương quản lý đúng pháp luật và có chính sách đúng đắn với các vùng nguyên liệu. Do đó, cần phải có cuộc cách mạng quy hoạch lại ngành chè theo chuỗi giá trị chứ không thể “thả nổi” như hiện tại. Bởi cái được lợi nhất khi các doanh nghiệp quản lí được vùng nguyên liệu không chỉ là việc hạn chế được việc tranh mua tranh bán mà các doanh nghiệp chế biến chè kiểm soát được đầu vào đầu ra, đặc biệt là khâu bảo vệ thực vật.
Trong khi chúng ta xuất khẩu chè với giá 1,45 USD/kg thì nhiều nước châu Âu nhập khẩu chè về rồi xuất khẩu với giá gần 10 USD/kg.
Thực tế chứng minh, nhờ quản lí tốt đầu vào, đầu ra, quy trình kỹ thuật mà sản phẩm chè của các doanh nghiệp chè như: Công ty Chè Hà Tĩnh, Phú Đa, Phú Bền (Phú Thọ), Biển Hồ (Kon Tum) và một số doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài luôn được đối tác đặt cọc tiền trước, giá bán cao gấp rưỡi giá chè bình quân của Việt Nam. Nhờ đó, đời sống thu nhập của người dân tại các vùng chè ngày một nâng cao.
Làm được việc này không có gì quá phức tạp, chỉ cần chiếu theo các quy định theo Quy chuẩn cơ sở chế biến chè do Bộ NN-PTNT ban hành theo luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn, nếu cơ sở nào không đáp ứng được các yêu cầu tiến hành nhắc nhở, xử lí và nặng có thể tước giấy phép kinh doanh. Không thể để tồn tại những cơ sở không có cây chè nào, nay mua tranh chỗ này mai mua tranh chỗ khác tồn tại được, vì lâu dài chính người nông dân sẽ chịu thiệt hại lớn nhất bởi tình cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Vì vậy, quá trình tiến hành tái cơ cấu ngành chè điều quan trọng và cơ bản nhất là tổ chức lại sản xuất và quản lý trên từng địa bàn theo chuỗi giá trị mà Quyết định số 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra. Trong tái cơ cấu, cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và việc xác định giá trị doanh nghiệp cần phải dựa vào các phương pháp tài sản cộng dòng tiền chiết khấu, không nên dựa vào phương pháp tài sản như các tổ chức tư vấn đang thực hiện. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ còn nhà xưởng, máy móc, vùng nguyên liệu đã bị mất hoàn toàn do đầu tư quá bài bản, nhưng vẫn được định giá theo cách lấy diện tích xây dựng nhân với đơn giá hiện hành rồi nhân với tỉ lệ còn lại, khiến giá trị của một số doanh nghiệp có mức cao hơn giá trị thực tế sẽ sinh lời gấp nhiều lần…
TS Đặng Kim Sơn - Chuyên gia nông nghiệp, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển NN- NT
(Diễn đàn doanh nghiệp)