Chôm chôm là 1 trong 5 loại cây chủ lực của tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Hân/Báo Thanh niên
Qua một số nhà vườn được biết, sở dĩ họ phải tiếc nuối trước thời giá hiện nay vì vụ thuận đã bị những trận mưa trái mùa sau Tết cổ truyền phá hỏng. “8 công đất trồng chôm chôm nhà tôi lẽ ra đã “hốt bạc” trong vụ thuận này rồi. Nhưng, cũng chỉ vì những đám mưa bất thường sau Tết làm cây bị nín bông và tược hết” - nông dân Huỳnh Thị Diêm ở ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách tiếc rẻ.
Vườn bà Diêm cũng là “mẫu số chung” của khoảng 5.600ha chôm chôm trên địa bàn 2 huyện Châu Thành và Chợ Lách.
Ông Đoàn Hữu Đức - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình cho biết, không chỉ chôm chôm bị mưa làm lỡ vụ thuận mà sầu riêng cũng chịu chung số phận. “Kinh tế chính của người dân trong xã là trông vào vườn chôm chôm và sầu riêng. Tuy vụ nghịch thường có giá cao hơn nhưng cá biệt năm nay do ảnh hưởng thời tiết khiến hầu hết nhà vườn phải chuyển sang xử lý cho trái vụ nghịch. Lúc cho trái rộ sẽ vào khoảng tháng 9 đến cuối năm, nguồn cung sẽ rất dồi dào, lúc ấy có lẽ giá cả khó mà ở mức cao được nữa” - ông Đức lo lắng.
Theo Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, không chỉ sầu riêng, chôm chôm bị thời tiết ảnh hưởng không ra trái đúng vụ mà cây măng cụt cũng bị nín bông vì dư âm của đợt thiên tai hạn mặn năm 2016. Phần lớn diện tích cây ăn trái năm nay sẽ không thể cho trái đúng vụ (từ tháng 5 - 7 âm lịch). “Rút kinh nghiệm năm nay, nhà vườn tốt nhất nên đầu tư bạt phủ gốc quanh năm. Bởi, chu kỳ mưa nắng đã không còn bình thường nữa” - Tiến sĩ Liêm khuyến cáo.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 27 ngàn ha cây ăn trái, với sản lượng khoảng 400 ngàn tấn/năm. Trong đó, tập trung 5 loại chủ lực là bưởi da xanh (chiếm 20%), chôm chôm (20%), sầu riêng (6,7%), nhãn (14,5%), măng cụt (6%).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn