Từ ngày 05-09/11/2019, đoàn đại biểu của Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam (Vietnam Macadamia Association - VMA) do ông Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch Hiệp hội dẫn đầu đã tham dự Hội nghị thường niên về Nghiên cứu và phát triển mắc ca quốc tế diễn ra tại Lâm Thương (Vân Nam, Trung Quốc).
Được thành lập từ năm 2016, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam hiện đang là thành viên sáng lập của Ủy ban tổ chức đại hội mắc ca quốc tế (IMSC). Hàng năm, IMSC tổ chức hội nghị thường niên với mục đích nghiên cứu và phát triển ngành mắc ca trên toàn thế giới.
Đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng nhiều quốc gia SX mắc ca trên thế giới tham dự hội nghị. |
Ông Jolyon Burnett – Chủ tịch IMSC cho biết điểm nhấn trong năm 2019 là IMSC đã thành lập được Trung tâm nghiên cứu và Phát triển mắc ca với các chuyên gia nghiên cứu đến từ các quốc gia có kinh nghiệm phát triển mắc ca trên toàn thế giới. Hội nghị mắc ca thế giới lần thứ 8 được tổ chức năm 2018 tại Trung Quốc, 3 năm một lần, năm 2021 hội nghị lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại Kenya. Còn hội nghị R&D tổ chức mỗi năm một lần.
Tại hội nghị, hơn 60 nhà khoa học đến từ 12 quốc gia (như Úc, Mỹ, Nam Phi, Braxin, Kenya, Trung Quốc, Việt Nam…) và từ các trường đại học, viện nghiên cứu cũng như các tổ chức nghiên cứu hàng đầu về mắc ca đã trình bày 34 tham luận, nghiên cứu nhằm phát triển mắc ca trong các lĩnh vực cây giống, canh tác, quản lý vườn trồng, quản lý sâu bệnh hại, sinh lý – dinh dưỡng cây trồng, xử lý sản phẩm sau thu hoạch, chế biến cũng như tiêu thụ...
Nhân sự kiện này, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển mắc ca (thuộc IMSC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm thí nghiệm và Kiểm nghiệm hạt quốc gia Trung Quốc tại Lâm Thương nhằm hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực để phát triển mắc ca.
Đại biểu của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng các chuyên gia thăm vườn mắc ca tại huyện Yun (TP Lâm Thương, Vân Nam, Trung Quốc). |
Trong khuôn khổ hội nghị, từ 08 – 09/11, đoàn đại biểu Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã có chương trình làm việc tại Trung tâm thí nghiệm và Kiểm nghiệm hạt quốc gia Trung Quốc tại Lâm Thương, và nghiên cứu thực tế tại vườn trồng mắc ca tại thôn Dazongqing, huyện Vĩnh Đức (TP Lâm Thương); vườn ươm của Cty YMAC tại thôn Daxueshan, huyện Vĩnh Đức; thăm vườn trồng mắc ca tại thông Shifoshan, huyện Yun, TP Lâm Thương...
Theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, thế giới hiện có khoảng 78 triệu người sử dụng nhân mắc ca hàng ngày. Năm 2019 dự báo tiêu thụ tới 62.000 tấn nhân mắc ca (234.000 tấn hạt). Thị trường mắc ca cũng như các loại quả hạt khác (điều, óc chó, dẻ, hạnh nhân…) đang mở rộng nhanh chóng. Các thị trường tiêu thụ mắc ca truyền thống là các nước phát triển gồm Mỹ, Đức, Úc, Nhật Bản, Đài Loan…
Hiện nay, mắc ca chỉ chiếm 1% trong tổng sản lượng 10 loại quả hạt khô cao cấp. Trong vòng 10 năm tới, dự báo tỷ lệ này có thể lên tới 5% đến 10% (tức là khoảng 620.000 tấn/năm).
Các chuyên gia của Ủy ban tổ chức đại hội mắc ca quốc tế thăm Trung tâm thí nghiệm và Kiểm nghiệm hạt quốc gia tại TP Lâm Thương. |
Bên cạnh các thị trường tiêu thụ truyền thống, hiện nhiều thị trường tiêu thụ mắc ca cũng đang nổi lên, như Hàn Quốc, Ấn Độ, các quốc gia Trung Đông, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng thị trường mắc ca thế giới hiện khoảng 12%/năm. Riêng tại Trung Quốc, mức tiêu thụ mắc ca ước tăng tới 50%/năm.
Không chỉ là quốc gia có mức tiêu thụ mắc ca đang tăng cao, Trung Quốc hiện cũng đang phát triển SX mắc ca rất lớn. Đặc biệt là tại tỉnh Vân Nam, nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và địa hình khá tương đồng với nhiều tỉnh miền núi phía Bắc của nước ta.
Theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, tỉnh Vân Nam hiện có 129 quận huyện, trong đó có tới 40 huyện đủ điều kiện để trồng cây mắc ca, với diện tích đã trồng được khoảng 170.000ha. Theo chiến lược, diện tích mắc ca của tỉnh Vân Nam có thể lên tới 270 nghìn ha vào năm 2025.
Vì vậy, đây là cơ hội rất lớn trong việc hợp tác SX lẫn chế biến, tiêu thụ giữa ngành mắc ca giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc. Những năm gần đây, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã thường xuyên có nhiều hoạt động giao lưu với Hiệp hội Mắc ca Vân Nam (Trung Quốc) để trao đổi kinh nghiệm, trao đổi các giống tốt và cùng phát triển.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn