Hàng thủy sản như phi lê basa và tôm đông lạnh của Việt Nam đã có mặt tại thị trường Ai Cập hơn 10 năm nay. Mặt hàng này nhanh chóng được người dân rất ưa thích bởi ngon, dễ chế biến và giá phú hợp. Không chỉ có mặt tại các siêu thị lớn như HyrperOne, Carefour, Metro, chỉ một thời gian ngắn hàng thủy sản Việt Nam được bày bán tại các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn và thậm chí là ở các chợ dân sinh trên khắp Ai Cập.
Giám đốc công ty thương mai Ai Cập (ECM) Ahmed Youssef cho biết: “Chúng tôi nhập khẩu hàng thủy sản Việt Nam từ hơn 10 năm nay. Chất lượng rất tốt vì thế mà số lượng nhập tăng dần mỗi năm. Thời điểm cao nhất chúng tôi nhập 10 container tương đương với 240 tấn mỗi tháng. Chúng tôi thấy hàng thủy sản của Việt Nam chất lượng tốt, giá phù hợp, dễ chế biến với gu ẩm thực của người dân Ai Cập nên cá phi lê basa trắng và nâu được đón nhận tích cực và hoàn toàn có thể mở rộng thị trường lớn".
Thế nhưng, nếu so sánh nhu cầu tiêu dùng của người dân Ai Cập với số lượng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này thì dường như "tiềm năng" chưa được đánh thức. Trong hơn 10 năm qua, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Ai Cập vẫn còn thấp. Cụ thể, từ mức hơn 20 triệu USD năm 2007 tăng lên 79,5 triệu USD năm 2012; năm 2013 đạt 57,2 triệu USD; năm 2014 đạt 71,7 triệu USD và năm 2015 đạt 64,2 triệu USD và năm 2016 giảm còn gần 46 triệu USD.
Trong khi đó, với quy mô dân số hơn 91 triệu người, mỗi năm Ai Cập tiêu dùng khoảng 2 triệu tấn thủy sản trong đó nhập khẩu khoảng 500 nghìn tấn từ các thị trường như Hà Lan, Đức, Hoa Kỳ, Na Uy, Morôc, UAE, Thái Lan và Việt Nam. Như vậy hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Ai Cập mới chỉ chiếm một phần nhỏ nhu cầu thị trường. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho hàng thủy sản của Việt Nam vào thị trường này chưa có bước đột phá.
Ông Ahmed Youssef cho rằng: “Khoảng 6 tháng nay, chúng tôi đã giảm số lượng nhập khẩu còn 3-4 container mỗi tháng. Việc giảm này không chỉ riêng đối với thị trường Việt Nam mà với các thị trường khác như Thái Lan, Trung Quốc, UAE, Indonexia... 6 tháng qua các doanh nghiệp Ai Cập đều giảm nhập khẩu vì nhiều lý do. Thứ nhất là đồng tiền mất giá, giá đôla tăng cao. 1kg basa trước đó nhập khoảng 10 bảng thì bây giờ chúng tôi phải nhập với giá là 20-25 bảng vì thế mà lợi nhuận rất thấp. Thứ hai là các doanh nghiệp thủy sản Ai Cập không được ưu tiên mua đôla so với các mặt hàng thiết yếu khác. Thực ra các lý do nhập khẩu giảm không phải do phía Việt Nam. Hàng Việt Nam chất lượng, sạch, giá ổn định. Vấn đề là ở phía chúng tôi".
Tham tán thương mại Phạm Thế Cường cho biết: "Hiện tại hàng thủy sản là một trong những nhóm hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Ai Cập, Hàng thủy sản đặc biệt là cá basa được người tiêu dùng đón nhận và hầu hết tại các siêu thị đều có cá basa và tôm. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi Ai Cập thả nổi đồng tiền nội tệ. Dẫn tới sụt giảm kim ngạch. Giá cả hàng nhập tăng cao trong khi nhu cầu giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, lạm phát của Ai Cập cao. Hầu hết người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu do tác động của lạm phát. Qua các lô hàng phát sinh, có vấn đề về chất lượng lô hàng thủy sản chưa thực sự đảm bảo, nhiều lo hàng chưa đạt yêu cầu kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch Ai Cập dẫn tới một số bị từ chối nhập khẩu".
Ai Cập thực sự là thị trường lớn cho hàng thủy sản Việt Nam cũng như cửa ngõ để vào thị trường Châu Phi, Trung Đông, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang dần hồi phục, an ninh, chính trị được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, dù chính phủ Ai Cập đang phát triển ngành thủy sản bằng việc thực hiện các dự án nuôi trồng cá nước ngọt tại các hồ và trên sông Nile, cũng như tăng khả năng đánh bắt cá biển. Nhưng ngành thủy sản Ai Cập là thiếu tàu đánh bắt cá xa bờ, thiếu diện tích nuôi cá nước ngọt, cũng như khả năng cung ứng thức ăn cho cá mới chỉ đạt 15%, trong khi 85% phải nhập khẩu. Vấn đề chính hiện này là sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như có các chính sách hỗ trợ để cùng các nhà nhập khẩu Ai Cập vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay sẽ tăng mạnh kim ngạnh xuất khẩu, mở rộng quy mô thị trường đầy tiềm năng này.
Ông Ahmed Youssef nhận định: "Tôi cho rằng, số lượng nhập khẩu thủy sản sẽ tăng lên trong thời gian tới. Bởi vì kinh tế được cải thiện ở Ai Cập. Chúng tôi tin như vậy và có thể tăng số lượng nhập lên tới 10 container hoặc hơn thế. 6 tháng tới kinh tế ổn định, thương mại phục hồi chắc chắn số lượng nhập khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tăng lên dù Ai Cập mở rộng diện tích nuôi trồng cũng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu nội địa. Ai Cập với dân số hơn 90 triệu đó là thị trường rất lớn và rất nhiều nhiều người Ai Cập thích sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Do đó tôi khẳng định các chính sách phát triển ngành thủy sản của Ai Cập không ảnh hưởng tới mặt hàng phi lê basa của Việt Nam".
Theo cơ quan thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, trong thời gian tới, để duy trì và thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này đòi hỏi các doanh nghiệp ngoài việc giữ chữ tín với việc cung cấp hàng đảm bảo chất lượng, đạt yêu cầu kiểm dịch của Ai Cập. Bên cạnh đó, Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Ai Cập lưu ý, để tránh mọi tranh chấp và sự lừa đảo không đáng có, doanh nghiệp cần thẩm tra các doanh nghiệp nhập khẩu mới thông qua việc kiểm tra giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận nhập khẩu hoặc nhờ các cơ quan hữu quan kiểm tra nếu có ghi ngờ.
Tham tán thương mại Phạm Thế Cường dự báo: “Nhu cầu với hàng cá basa và tôm của Việt Nam ở thị trường này lớn, có nhiều cơ hội để có thể thúc đẩy. Doanh nghiệp Việt Nam có thực sự quan tâm tới thị trường, chính sách bán hàng, chính sách hỗ trợ hợp lý. Bên cạnh đó để có thể thúc đẩy thêm, hàng thủy sản xuất khẩu vào Ai Cập, doanh nghiệp cần tích cực tham dự các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ tại Ai Cập để có thể đưa thêm hàng thủy sản tới người tiêu dùng Ai Cập".
Các nhà nhập khẩu Ai Cập cho rằng, với đà như hiện nay, kinh tế dần hồi phục cùng với sự ổn định về an ninh, chính trị, sự khan hiếm ngoại tệ đã giảm bớt, đồng bảng Ai Cập dần ổn định thì trong khoảng nửa năm tới nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng cao. Theo dự báo nhu cầu nhập khẩu thủy sản sẽ tăng 10 – 12 % mỗi năm trong vòng 5 năm tới do dân số tăng, nhu cầu tiêu dùng hải sản tăng, lượng khách du lịch tăng. Đây thực sự là những tín hiệu tích cực cho các nhà xuất khẩu thủy sản của Việt Nam mở rộng quy mô thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn