Doanh nghiệp không kịp trở tay
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hải Bằng - Giám đốc Công ty CP Woodsland cho biết, dịch Covid-19 như cơn lốc quét qua các nước EU, sau đó đến Mỹ đã khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ không kịp trở tay.
"Năm 2019, ngành gỗ dành được nhiều thắng lợi, riêng Woodsland, giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 60 triệu USD, tạo việc làm cho 3.000 lao động. Đầu năm 2020 công việc đang trên đà thuận lợi với nhiều đơn hàng mới thì dịch Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc. Khi đó, chúng tôi chỉ gặp một số khó khăn trong việc nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc nhưng các đơn hàng đến EU, Mỹ vẫn đi đều. Nhưng khi dịch bệnh lan sang EU, Mỹ, các cửa hàng tại đây đóng cửa phòng dịch, đồng thời họ thông báo ngay lập tức đến các nhà sản xuất, trong đó có Woodsland là sẽ tạm dừng nhận các đơn hàng. Mọi việc diễn ra quá nhanh, chỉ trong khoảng 2 tuần khiến chúng tôi trở tay không kịp" - ông Bằng nói.
Ông Bằng cho biết thêm, hiện Woodsland đã bắt đầu cho công nhân một số bộ phận nghỉ việc, sau đó có thể luân phiên nghỉ trong tháng, đồng thời tạm dừng việc mua nguyên liệu, chỉ đang sản xuất lượng hàng vật tư đang còn trong kho.
Đối với nguyên liệu đã ký hợp đồng bao tiêu với nông dân, với những loại bà con đã xẻ, Woodsland vẫn đảm bảo mua hết và đề nghị nông dân cho thanh toán chậm. "Rất may, đa phần bà con nông dân đều thông cảm với chúng tôi trong hoàn cảnh khó khăn này" - ông Bằng nói.
Công ty CP Woodsland phải giảm khoảng 10% nhân công do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: I.T
"Việc sản xuất này cũng chỉ nhằm mục đích duy nhất là duy trì công việc tối thiểu cho các công nhân chứ cũng không thể giao hàng trong thời điểm này. Dự kiến, khoảng 6 – 7 tuần nữa mới có thêm thông tin các cửa hàng bên kia có nhận hàng của mình nữa hay không” - ông Bằng thông tin.
Theo ông Bằng, khó khăn lớn nhất, ảnh hưởng đến sự sinh tồn của doanh nghiệp lúc này là các hợp đồng tín dụng đến hạn vào khoảng tháng 4- 6/2020 đang không biết trông vào đâu để trả nợ. Việc này cần phải giải quyết ngay, phải thỏa thuận với ngân hàng nếu không sẽ mất khả năng thanh toán.
Trong khi đó, ông Lê Minh Thiện - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho biết, không chỉ đối mặt với tình trạng các đối tác đề nghị chậm giao hàng, chậm thanh toán, lãi vay ngân hàng, các doanh nghiệp ngành gỗ còn lo ngại nếu tình trạng kéo dài, công nhân mất việc, bỏ việc thì sau này khi sản xuất phục hồi khó đảm bảo đủ lao động.
Ông Thiện cũng thừa nhận một thực tế, đại dịch Covid-19 đang khiến ngành gỗ đứng trước cảnh không có đơn hàng kể từ tháng 4/2020 cho đến năm 2021
"5 thị trường xuất khẩu chính gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm tới trên 90% thị phần xuất khẩu có diễn biến phức tạp bởi dịch Covid-19, hiện đang thực hiện lệnh phong tỏa khiến các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam liên tiếp nhận được các thông báo hủy đặt hàng, giãn đơn hàng trong thời gian gần đây" - ông Thiện nói.
Theo báo cáo sơ bộ từ các Hiệp hội gỗ địa phương và các doanh nghiệp chế biến gỗ, từ giữa tháng 3 cho tới nay đã có trên 80% các nhà mua hàng xuất sang thị trường Mỹ đã thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng. Tại thị trường EU, 81% doanh nghiệp đã nhận được thông báo hủy đơn và và giãn đơn hàng.
Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng giảm từ 60-80%; trong khi đó, 96% doanh nghiệp có quan hệ vay vốn ngân hàng và chịu áp lực về lãi vay cũng như thời gian trả nợ.
Trong khi các thị trường trọng điểm liên tiếp có các tín hiệu không lạc quan, để duy trì các đơn hàng còn lại, đơn hàng nhỏ lẻ, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc giá gỗ nguyên liệu tăng cao từ 10-20 USD/m3 gỗ nguyên liệu.
Cần gấp gói cứu trợ ngành gỗ
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, cũng giống như các ngành như dệt may, da giày, ngành công nghiệp chế biến gỗ là 1 trong 3 ngành xuất khẩu chủ lực đang phải đối mặt với nguy cơ hầu hết các doanh nghiệp sẽ phải ngừng sản xuất vào nửa cuối tháng 4/2020 và hoàn toàn mất khả năng hỗ trợ người lao động, nếu không có sự trợ giúp mạnh mẽ của Chính phủ.
Doanh nghiệp gỗ chưa ký được đơn hàng, việc thu mua gỗ nguyên liệu cho nông dân cũng khó khăn. Ảnh: DV
"Thời gian quan, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất tuy nhiên, theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, ngành chế biến gỗ - một ngành xuất khẩu chủ lực đã bị loại ra khỏi gói hỗ trợ này" - ông Lập cho biết.
Trong khi đó, ông Thiện nêu một thực tế, trên 5.000 doanh nghiệp chế biến gỗ trên cả nước đang điêu đứng, đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức. Đặc biệt là tâm lý cảnh giác, e sợ của các ngân hàng thương mại trước một cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ bị thiệt hại nặng nề nhưng không được sự hỗ trợ từ Chính phủ, sẽ dẫn đến việc ngân hàng không cho vay, giảm hạn mức vay và tăng lãi suất cho vay vì mức độ rủi ro cao, điểm tín dụng thấp."Để giảm thiểu khó khăn và thiệt hại mà doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối mặt, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ đưa chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa vào Dự thảo Nghị định giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất" - ông Thiện kiến nghị.
Ông Lập kiến nghị việc xem xét việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các đơn vị xuất khẩu đủ điều kiện; miễn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ xẻ có nguồn gốc từ gỗ nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ các nước quản trị rừng tốt như EU, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản..; miễn giảm và gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; miễn thuế suất thuế xuất khẩu 2% còn 0% đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp ngành gỗ, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị đưa ngành chế biến và sản xuất sản phẩm gỗ, lâm sản vào dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giúp doanh nghiệp đỡ một phần khó khăn, vững tin vào duy trì phát triển với mục tiêu đạt 12,5 đến 13 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2020. Cụ thể, Bộ NNPTNT đề nghị Văn phòng Chính phủ bổ sung ngành chế biến gỗ, lâm sản vào đối tượng của dự thảo Nghị định như sau: Bổ sung gạch đầu dòng thứ 2, khoản 1, Điều 1 dự thảo Nghị định về “Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (bao gồm cả giường, tủ, bàn, ghế)”; Điều này viết bổ sung như sau: “- Sản xuất, chế biến thực phẩm; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (bao gồm cả giường, tủ, bàn, ghế); dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 09 chỗ trở xuống)”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn