Xuất khẩu tăng cao
So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước 6 tháng năm nay tăng 18,9%. Đó là tốc độ tăng khá cao, không chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (5,9%), mà còn cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu theo kế hoạch đề ra cho cả năm (6 - 7%) và tốc độ tăng GDP (5,73%).
Theo mặt hàng, mới qua 6 tháng, đã có 18 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 5 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước). Trong đó có một số mặt hàng đã có vị trí vượt lên, như rau quả, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện...
. |
Theo khu vực, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tếtrong nước sau nhiều kỳ tăng chậm, thậm chí có kỳ còn bị giảm, nhưng trong nửa đầu năm nay đã tăng tương đối cao (13,8%).
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng do cả 2 yếu tố, đó là lượng tăng (12,9%) và đơn giá tăng (5,27%). Những mặt hàng xuất khẩu tăng về lượng là chè, hạt tiêu, sắn và sản phẩm từ sắn, than đá, xăng dầu, cao su, sắt thép... Những mặt hàng có giá tăng cao là hạt điều, cà phê, than đá, dầu thô, xăng dầu, sắt thép...
Tuy nhiên, xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm cũng có những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Bên cạnh những mặt hàng có kim ngạch tăng thì cũng có những mặt hàng giảm, như hạt tiêu, sắn và sản phẩm sắn. Bên cạnh những địa bàn tăng, thì cũng có một số địa bàn có kim ngạch xuất khẩu tăng rất thấp, thậm chí giảm, như Cà Mau, Sơn La, Đà Nẵng, Bình Thuận, An Giang, Điện Biên, Kiên Giang, Đồng Tháp....
Nhập khẩu còn tăng cao hơn
Trong nửa đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có tốc độ tăng cao hơn như thủy sản, rau quả, hạt điều, lúa mì, chế phẩm thực phẩm khác, thức ăn gia súc và nguyên liệu, than đá, dầu thô, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, hóa chất, thuốc trừ sâu...
Nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ trọng 39,7% - cao hơn tỷ trọng tương ứng về xuất khẩu (27,6%). Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 60,3%.
Những thị trường có mức tăng nhập khẩu lớn là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia... Đáng lưu ý, nhập khẩu và nhập siêu từ Hàn Quốc tăng đột biến.
Do nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu (tăng 24,1% so với tăng 18,9%), nên nếu cùng kỳ năm trước xuất siêu 1.288 triệu USD, thì trong nửa đầu năm nay đã nhập siêu 2.696 triệu USD, bằng 2,8% kim ngạch xuất khẩu - thấp hơn tỷ lệ kế hoạch đề ra cho cả năm (3,5%). Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu lớn, cao hơn cùng kỳ năm trước cả về kim ngạch tuyệt đối (12.917 triệu USD so với 10.028 triệu USD), cả về tỷ lệ so với xuất khẩu (47,9% so với 42,3%). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu, nhưng thấp hơn cùng kỳ năm trước cả về kim ngạch tuyệt đối (10.221 triệu USD so với 11.316 triệu USD), lẫn tỷ lệ xuất siêu (14,4% so với 19,3%).
Đáng lưu ý, những thị trường mà Việt Nam trước đây xuất siêu lớn, thì mức xuất siêu phần nhiều lại giảm; trong khi với những thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lớn, thì mức nhập siêu phần lớn lại tăng. Đây là một cảnh báo về sự chuyển dịch thị trường xuất nhập khẩu trong quá trình đàm phán gia nhập, thực hiện các FTA, các hiệp định song phương và đa phương.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn