Đắng lòng vì cây sả
Nông dân Thới Bình nhiều lần bị “tổn thương” khi phải bấm bụng bứng đi cây gừng trồng lại cây mía, rồi sau đó chặt bỏ mía chuyển qua trồng gừng. Lần này vết thương ấy lại nặng thêm khi bao hy vọng gởi gắm vào cây sả thành mây khói bởi phương án trồng sả xuất khẩu bất ngờ bị dừng lại, sả trồng ra chẳng ai thèm mua. Dù phương án trồng sả xuất khẩu mới triển khai tới cấp huyện, xã và chưa phổ biến rộng rãi trong dân, nhưng vì quá “nhạy bén thông tin” chạy theo cây sả mà giờ đây mọi thiệt thòi người nông dân phải tự hứng chịu.
Ông Lê Văn Gia bên ruộng sả không có đầu ra.
Ông Lê Văn Gia, sinh năm 1940, Ấp 9, xã Trí Lực, chua chát: “Các chú định đưa tôi lên báo để bêu xấu cái tội ngu đó hả”, khi biết mục đích của cuộc gặp mặt.
Sự chua chát của lão nông có tuổi đời ngoại thất thập đến từ việc nhiều lần “lên bờ xuống ruộng” với cây mía, củ gừng và giờ là cây sả. Ông cho biết: “2 năm trước trồng gừng có năm thì mất trắng, có năm chẳng thu lại đủ vốn. Tháng 10 năm rồi nghe thông tin có một công ty nước ngoài đầu tư làm nhà máy lọc tinh dầu sả, mua sả trong dân với giá cao, từ những người nhiều lần đi họp lên họp xuống ở huyện, cũng thấy bùi tai. Hơn nữa tôi cũng già rồi, làm việc nặng không nổi, sả thì dễ trồng nên quyết định ban 5 công đất trồng mía ra để trồng sả. Giờ thì trắng tay, sả trồng xong không ai thèm mua”.
Ông Lê Văn Gia cho biết: “Lúc đầu tính trồng 10 công nhưng hạn sớm nên trồng được 5 công rồi nghỉ. Có khi vậy mà hên”.
Xã Trí Lực, huyện Thới Bình có rất nhiều người cũng chỉ vì “nghe thông tin” như ông Gia mà giờ đây chỉ biết tự trách mình.
Trồng hơn nửa công sả giờ cũng chẳng biết phải xử lý thế nào, ông Lê Văn Sự, Ấp 9, lắc đầu ngao ngán: “Mới trồng hồi tháng 10 năm rồi, nguyên nhân là nghe tin trồng sả tới đây có nhà máy nước ngoài hợp tác chế biến sả lấy dầu. Giờ không bán được bụi nào, không biết bỏ bằng cách nào, chỉ có đốt thôi chứ bứng sao nổi".
Ông Sự cho biết thêm: “Lúc đầu tôi nghe trên đài, rồi sau đó ra Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, gặp ông Trưởng phòng hỏi thực hư thì được biết là trồng sả Nhà nước không bao tiêu. Tuy nhiên, hướng tới đây sẽ có nhà máy sản xuất tinh dầu sả của nước ngoài xây dựng và họ sẽ thu mua sả trong dân. Thấy vậy tôi nghĩ, nếu có nhà máy thì đầu ra cây sả sẽ ổn định, chứ lúc trồng biết trước là không bán được trong dân”.
Thiệt thòi vẫn là dân
Ông Nguyễn Văn Thống, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Trí Lực, cho biết: “Việc trồng sả bắt đầu từ tháng 10/2016. Thực tế là địa phương không phổ biến, tuy nhiên, bà con nghe thông tin có nhà máy thu mua sả nên tự phát sinh trồng trên các bờ vuông, có vài hộ trồng số lượng lớn để tăng thu nhập. Bây giờ nhà máy không xây dựng, sả không bán được. Đến giờ bà con cũng còn tiếc chưa chặt bỏ, chờ xem nhà máy có xây dựng hay không”.
Thực tế là cuối năm 2016, Công ty TNHH Agri Nam Thành, địa chỉ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước có nhu cầu bao tiêu cây sả trên địa bàn tỉnh để xuất khẩu. Qua đó, Sở NN&PTNT đã giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với công ty xây dựng phương án trồng sả xuất khẩu, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng huỵện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và Phòng Kinh tế TP Cà Mau triển khai kế hoạch trồng sả ở các địa phương. Mặc dù quá trình triển khai chưa đến dân nhưng nắm được thông tin người dân đã chủ động “đón đầu” triển khai trồng sả. Đùng một cái, Sở NN&PTNT có Công văn số 2987/SNN ngày 20/12/2016 về việc ngừng triển khai phương án trồng sả xuất khẩu. Công văn phát hành tuy nhanh nhưng không thể nhanh bằng tiến độ trồng sả của dân, dẫn đến hậu quả lớn.
Trong công văn trên có đoạn: “…hiện nay, do Sở NN&PTNT đã nắm tình hình hợp đồng thu mua sả xuất khẩu của phía công ty với đối tác nước ngoài đang gặp trục trặc, không đảm bảo chắc chắn. Vì vậy, Sở NN&PTNT đề nghị phòng NN&PTNT các huyện và Phòng Kinh tế TP Cà Mau thông tin đến UBND các xã, phường, thị trấn và nông dân ngừng triển khai phát triển trồng cây sả ở địa phương…”.
Khi phương án trồng sả xuất khẩu ngừng triển khai thì huyện Thới Bình đã có hơn 8 ha trồng sả, tập trung tại xã Trí Lực và Trí Phải. Ông Nguyễn Minh Khai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trí Lực, liên kết với 9 hộ nông dân trồng khoảng 2 ha, sản lượng khoảng 200 tấn. Xã Trí Phải có khoảng 3 ha, diện tích trồng không tập trung, chủ yếu các hộ dân trồng xung quanh nhà, bờ kinh, bờ xáng, vườn tạp để tiêu dùng và mang ra chợ bán lẻ.
Ông Lâm Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Trí Lực, cho biết: “Thực tế xã không có chủ trương triển khai phương án trồng sả trong dân. Chủ yếu là dân tự tìm hiểu thông tin bên ngoài rồi tự phát trồng. Hiện nay, bà con gặp nhiều khó khăn do sả không bán được”.
Cũng vì mới nghe thông tin sả có đầu ra ổn định, giá cao lại thêm việc trồng sả khá đơn giản mà nông dân phải chịu thiệt, giờ chẳng biết kêu ai. Ông Lê Văn Gia chua chát: “Bao nhiêu công sức, vốn liếng bỏ ra không thu lại được, giờ chỉ biết kêu trời. Sả ơi là sả!”./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn