Trái thanh long của Việt Nam vừa qua đã được cấp phép xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Australia với những tiêu chuẩn khắt khe. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực tìm kiếm đầu ra đối với hàng nông sản. Tuy nhiên, trái thanh long muốn đến được những thị trường khó tính còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Long An là một trong 3 địa phương có diện tích trồng cây thanh long lớn nhất nước. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, toàn tỉnh hiện có khoảng 9.000 ha trồng thanh long; trong đó, gần 7.000 ha đã cho trái, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành. Với năng suất cao và giá tương đối, thanh long được xem là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm mang lại lợi nhuận từ 200 - 400 triệu đồng/ha cho người nông dân. Tuy nhiên, quá trình sản xuất và tiêu thụ thanh long ở Long An còn gặp nhiều khó khăn, chưa thực sự bền vững.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, cho biết, hiện nay, nông dân đã có nhiều kinh nghiệm trong quá trình sản xuất thanh long, ứng dụng các quy trình thâm canh, xông đèn compact, các giải pháp tưới… để cây thanh long phát triển tốt. "Song thực tế vẫn còn một số hộ nông dân trong quá trình sản xuất còn thực hiện theo phương pháp truyền thống, chưa thực hiện tốt các khâu như vệ sinh vườn, sử dụng phân hữu cơ, sử dụng nhiều chất thuốc kích thích… ảnh hưởng đến tính phát triển bền vững của thanh long", ông Thiện nói.
Một trong những khó khăn nữa chính là việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho trái thanh long. Theo Sở Công Thương Long An, sản lượng thanh long toàn tỉnh đạt khoảng 300.000 tấn/ năm. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của loại trái cây này vẫn phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc vốn thiếu tính ổn định với khoảng 80% sản lượng, 15% tiêu thụ ở thị trường nội địa và chỉ có 5% xuất khẩu vào châu Âu theo đường chính ngạch.
Nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhưng không có doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ ổn định. Mối liên kết giữa các khâu sản xuất và tiêu thụ chưa thật sự hiệu quả, người nông dân chủ yếu bán sản phẩm cho thương lái với giá lên xuống bấp bênh...
Ông Nguyễn Văn Chiến, người trồng thanh long ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, cho biết: "Mong muốn lớn nhất của người nông dân là có đầu ra ổn định. Hiện người dân vẫn cứ trồng nhưng chẳng biết bán cho ai, chủ yếu lệ thuộc vào thương lái. Nếu nhà nước cùng với doanh nghiệp kết hợp với nhau để hỗ trợ trong vấn đề đầu ra thì người nông dân mới yên tâm sản xuất".
Theo ông Trương Quang An, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành), muốn trái thanh long xuất khẩu được sang các nước, trước hết phải áp dụng quy trình sản xuất thanh long sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng kí nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu uy tín... Mỗi nước có yêu cầu khác nhau nên việc sản xuất phải đáp ứng theo tiêu chuẩn mới thâm nhập được vào những thị trường khó tính.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, để thanh long phát triển bền vững, thâm nhập vào thị trường khó tính, ngành nông nghiệp nói riêng và tỉnh Long An nói chung có nhiều nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp như: liên kết với Viện Cây ăn quả để chọn tạo những loại giống tốt nhất cho cây thanh long phát triển, phù hợp với đặc tính thị trường; tăng cường đầu tư hạ tầng về điện, giao thông, thủy lợi, cơ sở chế biến, bảo quản… Đồng thời, tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng đồng bộ các giải pháp để hạn chế mầm bệnh giúp cây thanh long phát triển.
Tỉnh Long An đang triển khai chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, thực hiện trên 2.000 ha thanh long ở huyện Châu Thành. Mục tiêu đến năm 2020 có 100% nông dân trong vùng đề án được tập huấn về kỹ thuật sản xuất thanh long theo hướng VietGAP; phấn đấu 35% diện tích trong vùng có ứng dụng cơ giới hóa, tưới thông minh, sử dụng hố thu gom và xử lý thuốc bảo vệ thực vật. 50% diện tích sản xuất thanh long trong vùng thực hiện sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường; thành lập mới 54 tổ hợp tác và 23 hợp tác xã sản xuất thanh long tại các xã trong vùng dự án; trong đó, hỗ trợ cho 23 tổ hợp tác, hợp tác xã có vùng sản xuất thanh long đạt chứng nhận VietGAP…
Ông Nguyễn Chí Thiện cho rằng, đến nay, các cấp, ngành triển khai, quán triệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây thanh long đến từng người dân. Địa phương xây dựng vùng dự án; tổ chức tập huấn và xây dựng 24 mô hình điểm, lấy đó làm cơ sở để nhân rộng toàn tỉnh. Đồng thời thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để gắn kết với các doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm; tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liến kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Vấn đề quan trọng hiện nay là cần có cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia và tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhất là sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, như vậy sẽ góp phần đảm bảo chất lượng của trái thanh long, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính.
Song song đó, tỉnh Long An đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, trong đó có thanh long. Địa phương chú trọng nghiên cứu thị trường, xây dựng và tổ chức mạng lưới thông tin, đáp ứng yêu cầu về thông tin thương mại hàng nông sản cho doanh nghiệp.
Long An xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu; giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu. Long An tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước để phối hợp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tiết kiệm chi phí…
Thực hiện tốt các giải pháp trên, tỉnh Long An sẽ sớm xây dựng được vùng sản xuất thanh long phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Cách làm này từng bước thay đổi tập quán sản xuất người dân trong vùng từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất liên kết chặt chẽ với tiêu thụ sản phẩm trong cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị bền vững, thân thiện với môi trường.
Bài và ảnh: Bùi Giang (TTXVN)