“Nhiều thứ dán mác hữu cơ thực ra không phải là hữu cơ”
Nhiều bê bối trong ngành nông nghiệp, thực phẩm thời gian qua khiến ngay cả người Trung Quốc cũng không tin tưởng thức ăn "made in China".
“Đã có quá nhiều vụ bê bối. Nước và đất cũng chẳng tốt”, cô Quian nói. Sản phẩm đến từ New Zealand, Úc, Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan có thể dễ dàng được tìm thấy ở các cửa hàng tạp hóa hiện đại tại thành phố Thượng Hải.
Đất ô nhiễm trở thành mối quan tâm mới với người dùng Trung Quốc. Từ vụ bê bối chất melamine độc hại có trong sữa công thức năm 2008, làm chết sáu trẻ sơ sinh và khiến 54.000 em khác phải nhập viện, dân Trung Quốc ngày càng cảnh giác với thực phẩm địa phương.
Người tiêu dùng chọn mua rau tại siêu thị ở tỉnh An Huy
Nhiều vụ bê bối khác theo sau đó, từ mì nhiễm thuốc nhuộm công nghiệp và mực, đến thịt chuột đội lốt thịt cừu và thịt thỏ, khiến người tiêu dùng đặc biệt lo ngại về việc các nhà sản xuất vô đạo đức sử dụng những thành phần bị cấm hay kém chất lượng trong quá trình sản xuất, trang Nikkei Asian Review viết.
Quốc Vụ viện Trung Quốc mô tả tình trạng ô nhiễm đất là trầm trọng. Hồi tháng 5, họ đưa ra kế hoạch hành động, đặt mục tiêu biến 90% đất canh tác ô nhiễm trở nên an toàn cho con người trong vòng bốn năm tới. Trong nghiên cứu thực hiện năm 2014, Trung Quốc phát hiện hơn 19% diện tích đất canh tác bị nhiễm các chất độc như cadmium, nickel và arsenic, có thể gây ung thư hay dị tật bẩm sinh.
Nhiều tổ chức như Greenpeace nghi ngờ về mục tiêu làm sạch đầy tham vọng này. Chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện mục tiêu có thể thiếu năng lực và khả năng chuyên môn để hành động. Song ngay cả khi chiến dịch 300 tỉ nhân dân tệ, hay 45,2 tỉ USD, trên thành công, cũng rất khó lấy lại được niềm tin nơi người tiêu dùng. Ada Kong, nhà quản lý chiến dịch chất độc Đông Á tại Greenpeace cho hay: “Người tiêu dùng khó lòng phân biệt được sản phẩm ô nhiễm và sản phẩm sạch”.
Ngay cả các thực phẩm hữu cơ cũng không nhận được sự tin cậy tuyệt đối, giám đốc khoa học nông nghiệp Chen Tai'an của Mahota Farms, một nông trại hữu cơ ở ngoại ô Thượng Hải, cho hay. Mahota thường được các cơ quan chính quyền kiểm tra và cũng thường mời khách hàng đến thăm. Bí và cà chua là vài trong số các loại quả được trồng tại đây. Nông trại cũng có nuôi gà và lợn.
“Chúng tôi làm việc chăm chỉ để chứng minh rằng những gì chúng tôi làm là thật, nhưng hiện có rất nhiều cách giả mạo, nhiều thứ dán mác hữu cơ thực ra không phải là hữu cơ”, ông Chen nói.
Dù sản phẩm hữu cơ của ông được trồng theo tiêu chuẩn quốc tế, thực phẩm nhập khẩu vẫn phổ biến hơn tại Trung Quốc. Ngay cả Chen cũng quay sang nhập khẩu nếu ông không có nguồn nguyên liệu từ nông trại của mình. “Người ta tin rằng thực phẩm nhập khẩu an toàn hơn, chất lượng hơn”, ông nói.
“Trông ổn, nhưng không biết có an toàn không?”
Năm 2000, Trung Quốc chiếm 3,3% nhập khẩu nông nghiệp thế giới, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Song năm 2014, số liệu này leo đến 9,1%. Hiệp hội Ngành công nghiệp Thực phẩm dự báo rằng Đại lục sẽ là nhà tiêu dùng thực phẩm nhập khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2018.
Xuất khẩu nông sản từ Mỹ đến Trung Quốc tăng hơn 200% trong một thập niên qua. Năm ngoái, nhập khẩu thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp đến Trung Quốc trị giá hơn 20,2 tỉ USD. Xuất khẩu đậu tương từ Mỹ đến Đại lục là 12,7 tỉ USD, mức cao thứ nhì trong lịch sử, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Xuất khẩu các mặt hàng khác như hạnh nhân, táo cũng tăng trưởng.
Đối với Úc, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của nước này. Lượng hàng nhập khẩu từ Úc lên đến 6,95 tỉ USD trong năm 2014 - 2015. Xuất khẩu trái cây là tăng mạnh nhất.
Một phụ nữ mua sắm trong siêu thị ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc)
Xuất khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) đến Trung Quốc tăng 39% từ năm 2014, chạm 10,34 tỉ EUR, tương đương 11,56 tỉ USD, trong năm ngoái. Thịt lợn, các loại trái cây họ cam quýt và ngũ cốc ngoài gạo và lúa mì là các mặt hàng có nhu cầu cao. Trung Quốc hiện chiếm 9,5% tổng kim ngạch xuất khẩu từ EU.
Những người Trung Quốc giàu có sẽ luôn chọn thực phẩm nhập khẩu thay vì thực phẩm địa phương, nhà phân tích kinh doanh James Roy tại China Market Research Group cho biết. Nhắc đến thức ăn, miễn nó là sản phẩm ngoại nhập, thương hiệu hầu như không còn quan trọng.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Fred Gale của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay nhu cầu thực phẩm nhập khẩu khó có thể giảm đi sớm. Ông Gale cho hay Mỹ cũng từng đối mặt vấn đề tương tự: “Ở Mỹ phải mất hơn 100 năm. Trung Quốc cần xây một hệ thống gây dựng niềm tin vào thực phẩm, và việc này sẽ tốn nhiều thời gian”.
Trong lúc này, người tiêu dùng giàu có như cô Qian vẫn sẽ tránh xa thực phẩm nước nhà: “Chúng trông ổn. Nhưng tôi không biết chúng có an toàn không”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn