Đưa trái vải vào Nam
Thời gian qua điệp khúc “được mùa mất giá” cứ lặp đi lặp lại với nông sản và quả vải phía Bắc cũng nằm trong tình trạng đó.
Để tìm đầu ra cho quả vải, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, đã chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phía Nam đẩy mạnh tiêu thụ vải. Nhờ vậy mà hiện nay, quả vải đã vào các kênh phân phối của các siêu thị và chợ đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận.
Tiếp tục thực hiện chủ trương này, sáng 10/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công thương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều Bắc Giang và Hải Dương.
Vải thiều năm nay được mùa. Dự kiến sản lượng vải của 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đạt khoảng 250 ngàn tấn. Với số lượng này rất cần tiêu thụ từ các tỉnh thành phía Nam. Bởi theo thống kê năm 2014, về thị trường nội địa, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam tiêu thụ 60% lượng vải.
Tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều sáng 10/6, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cam kết sẽ phối hợp với 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tiêu thụ 80 ngàn tấn vải, tăng 20 ngàn tấn so với vụ vải năm trước. Thành phố sẽ tiêu thụ vải thông qua các kênh phân phối của hệ thống siêu thị Big C, Lotte, Coopmart và các chợ đầu mối…
Hiện nay, giá vải đang bán ở các siêu thị khoảng 22.000 đồng/kg. Đặc biệt, một số siêu thị hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải không tính lợi nhuận. Trong đó có hệ thống siêu thị Big C, đơn vị này dự kiến năm nay tiêu thụ khoảng 300 tấn vải cho nông dân. Để hỗ trợ nông dân đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều, Big C bán giá vải gần sát với giá của nông dân bán ra tại chính địa phương. Bên cạnh đó, siêu thị cũng hỗ trợ nông dân phương tiện vận chuyển vải vào Nam.
Về phía các ngành chức năng của tỉnh Bắc Giang và Hải Dương thời gian qua cũng đã hỗ nông dân về kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng trái vải. Đặc biệt, mùa vải năm nay, 2 tỉnh này có thêm hàng nghìn ha vải đạt tiêu chuẩn Viet Gap, Global Gap để phục vụ cho xuất khẩu và phân phối ở các kênh siêu thị.
Nét mới trong việc phối hợp tiêu thụ vải năm nay, là các doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh chủ động ký kết tiêu thụ vải rất sớm nên trái vải đầu vụ đã có mặt ở các kênh phân phối ở đây.
Ông Phan Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết: "Các doanh nghiệp phía Nam năm nay ra Bắc tương đối sớm và có những hợp đồng thống nhất về nguyên tắc để đưa trái vải Lục Ngạn vào Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi tin tưởng vụ vải năm nay tiêu thụ ở thành phố và các tỉnh, thành phía Nam sẽ tăng đáng kể, đặc biệt chất lượng và giá đều tăng lên".
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thì để trái vải ổn định đầu ra không chỉ tính đến việc tiêu thụ trái vải tươi vào thị trường nội địa mà phải tính đến việc sơ chế và chế biến, bảo quản lâu. Vì thị trường nội địa thì cũng có một dung lượng nhất định, nếu vải thiều tăng diện tích và sản lượng, nhất là sản lượng dồn dập vào chính vụ thì rất khó tiêu thụ.
Về vấn đề mở rộng thị trường xuất khẩu trái vải, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương nói: "Bộ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp rất cụ thể trong tiếp cận thị trường thông qua việc giới thiệu doanh nghiệp đầu mối lớn và thị trường như Pháp, Úc, Malaisia, Singapore… Đặc biệt, hoạt động xúc tiến thị trường, cung cấp thông tin, chúng tôi đã tổ chức nghiên cứu rất kỹ các thị trường về trái vải trên toàn cầu để qua đó cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và địa phương trồng trái vải để chủ động trong các khâu".
Từ việc phối hợp tốt trong việc tiêu thụ vải thiều giữa các ngành chức năng và các địa phương hy vọng mở ra cơ hội tốt trong việc tiêu thụ nông sản khác của nông dân các địa phương trong cả nước. Từ thực tiễn này sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm và qua đó hình thành những cơ chế chính sách phù hợp hơn để phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các ngành chức năng, các địa phương nhằm ổn định đầu ra cho nông sản Việt Nam./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn