Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Lương thực và các bộ ngành, cơ quan liên quan về việc tổ chức triển khai Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo tin tức trên báo Vneconomy.
Bản chiến lược này được xây dựng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của sản phẩm gạo xuất khẩu và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu…
Chiến lược xác định đa dạng hoá thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế khai thác cơ hội, tiềm năng, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu và uy tín của gạo Việt.
Chiến lược chia làm 2 giai đoạn, từ năm 2017 - 2020, lượng gạo xuất khẩu hàng năm đạt 4,5 -5 triệu tấn, thu về 2,2 - 2,3 tỷ USD/năm. Trong giai đoạn từ 2021 - 2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4 triệu tấn, trị giá 2,3 -2,5 tỷ USD.
Đến năm 2020, cơ cấu gạo xuất khẩu cũng thay đổi, gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo xuấ khẩu, gạo Japonica chiếm 30%, gạo nếp 20%, các loại gạo khác khoảng 5%.
Đến năm 2030, tỷ lệ gạo trắng thường chỉ chiếm 25%, gạo phẩm cấp trung bình dưới 10%, gạo Japonica chiếm 40%, gạo nếp 25%, gạo dinh dưỡng khác khoảng trên 10%.
Chiến lược xác định rõ việc tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường, trực tiếp vào các hệ thống phân phối gạo của các nước. Đến năm 2020, xuất khẩu gạo sang châu Á chiếm 60% tổng lượng xuất, thị trường châu Phi (khoảng 22%), Trung Đông (2%), châu Âu (khoảng 5%), châu Mỹ (khoảng 8%), châu ÚC (3%).
“Cần chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác nhu cầu ở các thị trườg trọng điểm, truyền thống, phát triển các thị trường mới với nhiều loại gạo chất lượng, có giá trị kinh tế cao”, Chiến lược nhấn mạnh.
Chiến lược được Thủ tướng phê duyệt còn đặc biệt chú trọng xuất khẩu gạo vào các thị trường như Đông Nam Á (Philippines, Indonesia, Malaysia), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trước đó, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines công bố, các thương nhân Việt Nam đã trúng 6 trên 8 lô thầu, với tổng khối lượng là 175.000 tấn, chiếm 70% tổng lượng gạo mở thầu nhập khẩu lần này, báo Lao động đưa tin.
Sau khi nhận được thông tin về việc Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) công bố Thư mời thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo trắng 25% tấm theo hình thức đấu thầu mở quốc tế (G2P) cho tất cả các nhà cung cấp các nước tham gia, Bộ Công Thương đã công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử, đồng thời gửi công văn tới Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký tham gia đợt thầu này nếu đáp ứng các điều kiện của NFA.
Theo kết quả được NFA công bố, các thương nhân Việt Nam đã trúng 6 trên 8 lô thầu, với tổng khối lượng là 175.000 tấn, chiếm 70% tổng lượng gạo mở thầu nhập khẩu lần này. 4 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam trúng thầu là Tổng công ty Lương thực miền Nam (50.000 tấn), Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long (50.000 tấn), Công ty cổ phần Quốc tế Gia (50.000 tấn) và Công ty cổ phần Hiệp Lợi (25.000 tấn).
Kết quả trúng thầu này sẽ góp phần tích cực cho việc tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân, đặc biệt là tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa vụ Hè Thu.
Trước việc Philippines thay đổi hình thức đấu thầu từ đấu thầu theo thỏa thuận cấp Chính phủ (G2G) sang đấu thầu mở quốc tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và có cách tiếp cận mới trong việc tổ chức doanh nghiệp tham gia dự thầu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn